Chiếc tắc ráng từ từ tách bến trong màn sương giăng giăng, gió nhè nhẹ thấm lạnh. Đâu đây tiếng cá quẫy đuôi ăn móng lẫn trong tiếng máy tàu, tiếng gà gáy vang vang khắp đầu trên xóm dưới loang trên mặt kênh, báo hiệu trời đã gần sáng.
Dũng, người lái đò mà tôi vừa được anh xe ôm giới thiệu, dáng người ốm, nước da đen giòn vì mưa nắng dãi dầu, tuổi ngoài bốn mươi, ngồi phía sau lái tàu. Vợ anh ngồi phía trước rọi đèn pin dẫn đường.
Tôi lên tiếng hỏi làm quen, vì sao gọi con kênh này là Sậy Níu. Dũng nhanh nhảu giải thích: Theo những người lớn tuổi cho biết, xưa kia ở con kênh này cây sậy nhiều vô kể, mọc đầy hai bên bờ. Xuồng ghe đi ngang đây chèo chống rất khó khăn, vì cây sậy gie ra mặt nước làm vướng víu, cứ như bị cây sậy níu lại. Rồi không hiểu từ lúc nào, mọi người gọi đó là kênh Sậy Níu.
Tôi gật đầu tâm đắc, tiếng Dũng bay theo gió: “Mai mốt anh có về khuya mà cần đi đâu gấp cứ nói với bất kỳ bác xe ôm nào vì họ cũng biết em là Lê Văn Dũng, ấp Quyết Tiến A, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Những chuyến đò khuya như vầy, chủ yếu em chỉ giúp người lỡ đường”.
Lát sau Dũng hỏi: “Anh về nhà ai, nói tên chủ nhà là em biết liền”.
“Nhà anh Tư Bê”, tôi trả lời. Dũng gật đầu cười vui vẻ: “Biết quá, sát bên nhà anh Tư Bê có hai đứa cháu Nga và Thúy, ngày nào tụi em cũng đến đưa rước đi học…”.
Chỉ mất 20 phút là đò cặp bến, tôi nghĩ chắc cũng phải trả 100 ngàn đồng tiền đò là giá chót, nhưng thật không ngờ khi nghe vợ của Dũng lên tiếng: “Ban ngày thì giá 5.000 đồng, ban đêm có thể anh cho thêm chút đỉnh, 7.000 đồng”. Và hai vợ chồng Dũng dứt khoát không lấy thêm đồng nào nữa. Tôi bước lên bờ mà trong lòng dâng lên tình cảm thật tốt đẹp với hai vợ chồng người đưa đò trên kênh Sậy Níu. Họ sống hiền lành, chân chất, những con người bình thường mà tấm lòng nhân hậu quá.
Tôi ngạc nhiên khi thấy vợ Dũng cắm sào đậu tàu lại mà không chạy về. Chị cho biết, vì cũng sắp đến giờ rước hai cháu Nga và Thúy đi học, chạy về chưa nghỉ được bao nhiêu lại chạy trở vào mất công, nằm nghỉ tại chỗ cho khỏe. Trên nhà anh Tư Bê đã thức giấc, anh mở cửa đón tôi, nhân thể mời hai vợ chồng người đưa đò vào nhà cho đỡ lạnh.
Bên chung trà nghi ngút khói, Dũng kể lại chuyện mình đưa đò: Má em cứ căn dặn: “Anh của con là liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước, thì con phải sống làm sao cho xứng đáng là em trai của một liệt sĩ. Thực sự, em cũng chưa biết là phải sống như thế nào để được coi là xứng đáng. Một hôm nét mặt má buồn hiu, kêu vợ chồng em lại nói: Mấy đứa học trò của xóm này lần lượt nghỉ học hết trọi, vì đường xa lại phải qua sông qua đò, trời mưa thì sình bùn trơn trợt, quần áo dính bê bết, làm sao mà đi học được. Bà chậc lưỡi xót xa: Cái xứ khốn khổ này, chẳng lẽ mai sau không có người ăn học thành tài, suốt đời chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Vợ chồng con nghĩ coi có cách nào giúp chúng nó đi học”.
Bấy giờ vợ chồng Dũng mới chợt nhận ra mình đã có cách sống cho xứng đáng với người anh liệt sĩ. Hai vợ chồng gom góp vốn liếng mua chiếc tắc ráng để đưa đón các cháu đi học, ngoài giờ đó thì đưa đò kiếm sống.
Đầu tiên là cả hai lặn lội đến những nhà có con em bỏ học, động viên cho các cháu đi học lại, đừng lo đường xa mưa lầy lội vì đã có đò đưa đón. Ban đầu, nhiều người nửa tin nửa ngờ, ai đâu mà tốt đến vậy, có ruột rà gì đâu thì làm sao lại chịu cực chịu khổ đưa đón các cháu. Điều mọi người lo lắng chuyện học hành là chuyện lâu dài, không phải một ngày một bữa, mà từ năm này sang năm nọ, liệu vợ chồng Dũng có kiên trì bền bỉ và đưa đón thường xuyên?! Nhưng trước lời nói chắc nịch như đinh đóng cột của mẹ Dũng, bà mẹ liệt sĩ, “Ngày nào tôi còn sống là ngày đó các cháu còn được đưa đón đến trường”, bà con đã thực sự yên tâm.
Từ đó đến nay đã ngót 10 năm, cứ sáng sáng hai vợ chồng Dũng chạy tắc ráng đến nhà rước các cháu đi học, chiều tan học đưa các cháu về nhà. Ai nhà gần thì 15.000 đồng/tháng, nhà xa thì 20.000 đồng/tháng, gọi là chút ít tiền xăng để bà con khỏi ngại ngần. Nếu nhà ai nghèo quá thì không lấy tiền.
Đằng đẵng 10 năm trôi qua, không ai nghĩ rằng những chuyến đò lúc sáng tinh mơ chở đầy những tiếng cười ríu rít của các em đến trường vẫn miệt mài ngược xuôi mỗi ngày. Màu đỏ thắm của chiếc khăn quàng trên cổ áo các em nổi bật giữa màu xanh cây lá, và càng đẹp thêm khi đỏ rực trong mưa, như những nét chấm phá lung linh tuyệt vời trong bức tranh về cuộc sống ấm áo nghĩa tình tại làng quê Hiệp Hưng. Những chuyến đò nghĩa tình đưa những người khách đặc biệt từ tấm lòng ấy, dẫu thầm lặng, nhưng có ý nghĩa hết sức to lớn, không chỉ chở niềm vui mà còn chở cả tương lai sán lạn đến cho các cháu và cho xứ sở nơi này.
Tiếng mưa rơi lắc rắc trên mái nhà, gió lao xao lạnh buốt, nhưng tôi thấy lòng mình ấm áp vô cùng, chắc vì cái tình cảm quá bao la nhân hậu của vợ chồng người đưa đò trên kênh Sậy Níu, như đốm lửa sưởi ấm lòng tôi.
Khi tôi nghe anh Tư Bê bộc bạch: “Bà Hai Thiết ở xóm này nghèo lắm, không đủ sức cho 3 đứa con đi học, định cho chúng nghỉ học khi mới lên lớp 6, lớp 7. May nhờ có hai vợ chồng chú Dũng, chẳng ngại nhọc nhằn vất vả, ngày ngày đưa đón các cháu đi học mà không lấy đồng nào, nhờ vậy mà cháu lớn học hết cấp 3 đi làm lo cho mấy đứa em lên đại học. Cũng như hai cháu Thúy và Nga ở nhà kế bên, do đường sá trắc trở, phải nghỉ học khi mới lớp 3, lớp 4. Vợ chồng chú Dũng chịu khó vào tận nhà động viên gia đình cho hai cháu đi học lại, vợ chồng chú Dũng sẽ chịu trách nhiệm đưa đón. Nhờ vậy mà cả hai đã học xong cấp 3”.
Bà con lối xóm thấy vợ chồng Dũng ngày ngày đưa đò như vậy, tuy khách đông lắm, nhưng chẳng có thu tiền đò, nhà nghèo, ngày càng nghèo thêm. Có người sốt ruột khuyên lơn vợ chồng Dũng, hà cớ gì phải hy sinh lo cho con cháu của người ta, phải nghĩ đến tương lai của mình, cứ sòng phẳng, mỗi chuyến đò bao nhiêu tiền thì tính bấy nhiêu. Lại có người nói, hơi đâu mà bất kể trời mưa hay nắng, cứ sáng đưa chiều đón…
Những lúc ấy vợ chồng Dũng chỉ cười xòa, trả lời gọn lỏn: “Bỏ chút công có đáng gì đâu, mà các cháu xứ mình được học đến nơi đến chốn, nhiêu đó cũng vui rồi”. Ở xã Hiệp Hưng này, đâu chỉ có mấy đứa cháu của bà Hai Thiết, hoặc hai cháu Nga và Thúy, mà còn rất nhiều các cháu được vợ chồng Dũng đưa đón đi học mỗi ngày. Nhưng khi tôi hỏi, hai vợ chồng người lái đò, nói rất bình thường: “Nhiều quá, làm sao nhớ hết được. Chỉ nhớ một điều là mình đã phần nào sống xứng đáng với người anh là liệt sĩ”.
Năm sau chúng tôi mới có dịp trở về thị xã Ngã Bảy. Trời chạng vạng tối, bến đò vắng hoe vì đã nghỉ đưa khách. Có hề gì đâu, nhờ đò của vợ chồng Dũng là xong, tôi tự nhủ. Khi chúng tôi vừa đến, vợ chồng Dũng mừng rỡ gặp lại khách xưa, nhưng chúng tôi thì hết sức buồn vì nghe Dũng cho biết là chiếc đò của Dũng đã bị mất cắp cách nay đã lâu rồi.
Nhưng Dũng vẫn cười nói vui: “Nhiệm vụ của vợ chồng em tạm coi như đã hoàn thành, những cháu ngày xưa chúng em đưa đón đi học, có em nay đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm đàng hoàng. Tuy nhiên, những ngày mới mất chiếc đò, chúng em lo lắng vô cùng vì tiền đâu mua lại chiếc đò mới, ít nhất cũng phải 20 triệu đồng. Rồi lại lo lắng, không ai đưa đón, sợ các cháu lại nghỉ học. Cũng may lúc đó là mùa nắng, đường sá khô ráo, đến khi sang mùa mưa thì con đường đã trải bê tông xong. Vậy là từ đó, các cháu tự túc đến trường bằng xe đạp, xe Honda, khỏi cần đò đưa đón".
Dũng cười bật mí thêm: “Em vẫn dành dụm và mới mua một chiếc tắc ráng nhỏ, phòng ngừa khách lỡ đường cần đi đò lúc đêm khuya thì chúng em đưa giúp họ…”.
Bây giờ hai vợ chồng Dũng sống bằng nghề đổ ống cống xi măng bán cho bà con quanh xóm. Nhờ làm ăn chân chính, hàng làm ra đảm bảo chất lượng nên được bà con tin dùng. Cuộc sống cũng tạm ổn, nhưng vợ chồng Dũng đôi lúc cũng thấy trong lòng mình trống vắng, khi nhìn trên kênh Sậy Níu chỉ có những dề lục bình trôi tản mác theo con nước ròng, nước lớn, mà thiếu những chuyến đò thân thương đầy ắp tiếng cười tươi vui trong sáng của các cháu, mỗi sáng đến trường hay lúc chiều tà trở về nhà.
Những chuyến đò xưa tuy không còn nữa, chuyến đò đỏ thắm màu khăn quàng những năm ấy đã lui về dĩ vãng, nhưng trong lòng người dân ở xứ này vẫn còn nhớ mãi trong lòng hình ảnh vợ chồng Dũng ngày ngày đưa đò chở các cháu đến trường trên kênh Sậy Níu.
NGUYỄN TƯỜNG LỘC