Sau khi nghỉ hưu, cô Trần Thị Khiêm được một người bạn dẫn đến thăm Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị thị xã La Gi. Đến đây, cô cảm thấy các em nhỏ này quá thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa, không chỉ mất đi ánh sáng, các em còn thiếu vắng tình thương của cha mẹ, người thân. Không kiềm được nước mắt, cô Khiêm quyết làm gì đó giúp các em có thêm niềm tin, nghị lực bước tiếp vào đời.
Thế là từ đó cho đến tận bây giờ, mỗi tuần đều đặn 3 lần, cô vượt hơn 15 cây số để đến trung tâm kèm cặp, hỗ trợ kiến thức cho các em. Để việc dạy học các em thuận lợi hơn, cô tự học chữ Braille để có thể chấm bài và chỉ ra điểm đúng, điểm sai khi các em viết. Nhìn cô nhẹ nhàng và tận tuỵ kèm cặp học sinh, mới thấy hết sự bao dung và sự thấu hiểu những thiệt thòi của các em.
Tâm sự với chúng tôi, cô Trần Thị Khiêm cho biết, cô muốn dành chút công sức và tình thương yêu của một người mẹ xóa đi những mặc cảm tự ti của các em thiếu may mắn, giúp học trò tự tin và có kết quả học tập tốt hơn. Dạy kèm trẻ khiếm thị - nghe thôi cũng đã thấy một công việc không mấy dễ dàng. 35 năm công tác trong ngành giáo dục với phần lớn thời gian gắn bó lớp vỡ lòng, giúp cô hiểu hơn về tâm lý các em nhỏ, những khó khăn khi các em bắt đầu làm quen với từng con số, con chữ và đối với học trò khiếm thị thì càng khó khăn bội phần.
Cô Trần Thị Khiêm là một trong số các thầy cô giáo về hưu tình nguyện dạy thêm, giúp đỡ các em khiếm thị. Không chỉ bằng trách nhiệm, mà bằng cả tình yêu thương vô bờ, như người mẹ, người cha thứ hai bên đời, góp phần nuôi lớn mỗi học trò khiếm thị trong bầu trời bao la kiến thức.