Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông. Chiếu Nga Sơn ở đây là huyện Nga Sơn, “vựa” cói lớn nhất của Thanh Hóa và cả nước. Xưa kia, cói Nga Sơn chỉ để làm chiếu và bán chủ yếu từ Thanh Hóa ra Ninh Bình đến kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội. Có nằm mơ người dân vùng đất Mai An Tiêm cũng không tưởng tượng được rằng, cây cói quê mình có ngày vượt đại dương sang tận Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản… Để có được việc “không tưởng” này, một phần công không nhỏ là của anh Phạm Minh Tôn, Giám đốc Công ty CP Sản xuất - chế biến cói xuất khẩu Việt Anh.
Từ cây cói vươn lên
Anh Phạm Minh Tôn tâm sự, anh sinh năm 1978 ở vùng đất nghèo xã Nga An (huyện Nga Sơn). Người dân quê anh vốn chỉ sinh sống nhờ vào làm cói, nhưng thu nhập từ cói rất thấp và bấp bênh. Cũng như nhiều thanh niên khác, năm 1998, sau khi học xong lớp 12, anh thoát ly khỏi quê đi tìm việc kiếm sống. Thời gian ở Hà Nội, anh làm đủ nghề, trong đó có nghề đi bán sách dạo. Một lần, trong khi đang bán sách ở hồ Hoàn Kiếm, anh gặp một vị khách nước ngoài hỏi anh việc gì đó, nhưng vì chỉ biết “loáng thoáng” tiếng Anh nên anh “ngớ” ra.
Sau lần ấy, trong anh lóe lên suy nghĩ: Phải biết tiếng Anh thì mới “lớn” được. Từ đó, ban ngày đi bán sách, tối về anh đăng ký học trung tâm ngoại ngữ và tự học tiếng Anh. Một thời gian sau, anh về Ninh Bình làm thuê cho một công ty xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ. Được giao phụ trách mảng phát triển thị trường, nhưng vì chưa biết “mô tê” gì nên anh vừa làm vừa mày mò tự học.
“Thời gian làm việc tại Ninh Bình, mỗi ngày giúp mình có thêm nhiều kinh nghiệm và kỹ năng trong công việc, nhưng chính việc này càng khiến mình suy nghĩ và thấy rằng, có giỏi đến mấy cũng chỉ là người làm thuê. Nhưng làm chủ ư, làm chủ cái gì thì mình chưa nghĩ ra. Cho đến một lần về quê, đứng trước đồng cói…”, anh Tôn bồi hồi nhớ lại.
Sau lần ấy, anh Tôn xin nghỉ việc về quê. Anh bắt đầu mày mò nghiên cứu lại từ đầu về “tính tình” cây cói, từ đó tìm câu trả lời quan trọng nhất là cây cói sẽ làm được sản phẩm gì, ngoài chiếu?
Ra biển lớn
Năm 2009, anh Phạm Minh Tôn lập Công ty CP Sản xuất - chế biến cói xuất khẩu Việt Anh. Thị trường đầu tiên anh nhắm tới là Trung Quốc. Lần đầu tiên anh xuất ngoại sang đất nước rộng lớn này để tìm hiểu thị trường, kết quả “công cốc” và tiêu tốn khoảng 500 triệu đồng.
Không nản chí, năm 2011, anh tiếp tục vay mượn tiền người thân, bạn bè sang tận Tây Ban Nha. Tại “xứ sở bò tót”, anh đi thuyết phục nhiều nơi nhưng đều nhận được cái lắc đầu vì công ty anh “lạ quá”. Cuối cùng cũng tìm được một đối tác, nhưng họ ra điều kiện, anh phải “đánh” hàng sang trước. Không một phút đắn đo, anh đồng ý và quay về nước. Cùng với các cộng sự, anh huy động thêm nghệ nhân, người khéo tay trong vùng, tập trung lên ý tưởng và làm ra các mặt hàng từ cói như: bình cắm hoa, giỏ đựng trái cây, hộp đựng đồ, hộp đựng áo quần, thảm ngồi, chiếu du lịch… với mẫu mã đẹp nhất, tinh xảo nhất.
Mọi vốn liếng của công ty thời điểm này đều dồn cả vào “cuộc phiêu lưu đầu tiên của cói”. Rồi chuyến container đầu tiên cũng được đưa ra cảng Hải Phòng để vượt đại dương sang Tây Ban Nha. Những ngày ấy, không chỉ anh mà người thân, anh em bạn bè đều lo lắng, đứng ngồi không yên. Nếu chuyến hàng không có “sóng hồi âm” thì coi như công ty phá sản và anh phải ôm một đống nợ. Nhưng thật may, đối tác không chỉ nhận, đánh giá ấn tượng về các sản phẩm mà còn đặt vấn đề ký kết hợp đồng làm ăn lâu dài.
Sau lần “đầu xuôi” khoảng 1 năm, anh lại “khăn gói” sang Mỹ mở rộng thị trường... Đến nay, các sản phẩm của công ty anh được nhiều tập đoàn lớn ở Mỹ như: T.J. Max, Marshalls, Ros Stores… đưa vào hệ thống bày bán và được người tiêu dùng ở thị trường khó tính bậc nhất thế giới này đón nhận. Anh Tôn bồi hồi: “Giờ nghĩ lại thời gian ấy mới thấy mình liều, nhưng mỗi lần nhớ lại vẫn thấy rưng rưng, cay cay khóe mắt”.
Sau khi thành công với các sản phẩm từ cói, để mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm, anh Tôn và cộng sự quyết định làm thêm các sản phẩm từ bèo tây, bẹ chuối, mây tre... Đến nay, công ty anh đã có hơn 50 sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất sang thị trường Mỹ và các nước. Mỗi tháng, có từ 50-60 container vượt đại dương, thu về cho công ty từ 120-130 tỷ đồng/năm.
Nâng tầm cây cói
Anh Phạm Minh Tôn kể, “vựa” cói Nga Sơn thuộc tầm lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 30% sản lượng. Cây cói Nga Sơn được đánh giá cao vì khi tươi, thân cói màu xanh mướt, bóng mượt, sau khi thu hoạch thì cho ra sợi cói trắng đẹp, dai và bền, các sợi cói đều và nhỏ. Đặc biệt, sợi cói Nga Sơn có chiều dài lên tới hơn 1,45m, hiếm vùng cói nào có được. Ngày xưa, chiếu cói Nga Sơn được dâng vào tận cung vua, phủ chúa, rồi các bậc quan lại, gia đình quyền quý thường dùng. Sau này, chiếu cói Nga Sơn được xuất sang cả thị trường Liên Xô và Đông Âu cũ. Năm 2011, cói Nga Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Anh Tôn trăn trở: “Mặc dù đã nổi tiếng và có sản phẩm xuất đi nước ngoài, được bảo hộ, nhưng để giữ và phát triển được nghề trồng cói là cả vấn đề lớn”.
Khoảng những năm 1980-2000, người trồng cói Nga Sơn dường như bỏ bê nghề vì không mang lại thu nhập, không có đầu ra, nhất là khi thị trường Liên Xô và Đông Âu không còn. Nghề truyền thống bao đời của ông cha tưởng như mai một.
Anh Tôn chia sẻ: “Để vực dậy, duy trì và phát triển nghề cói thì chỉ có cách là mở rộng thị trường và đặc biệt là phải nâng được tầm cây cói và người trồng cói lên”. Nhưng, cái khó của việc xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… là họ đòi hỏi sản phẩm không chỉ đạt thẩm mỹ và kỹ thuật cao, tinh tế và tinh xảo, mà còn phải thân thiện với môi trường, sản phẩm không có hóa chất và phẩm màu độc hại, rồi công tác an toàn lao động… Họ yêu cầu lắp camera giám sát và định kỳ đến kiểm tra trực tiếp. Trong khi những việc này, người lao động thủ công vốn quen “xuề xòa” nên để “nắn” được theo yêu cầu của đối tác là cả quá trình. Nhưng, vì ý thức được “sản phẩm cói là bộ mặt của người trồng cói” nên ai cũng cố gắng thực hiện nghiêm và sau một thời gian cũng quen.
Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, Công ty CP Sản xuất - chế biến cói xuất khẩu Việt Anh đang dần lớn mạnh và vươn ra biển lớn. Đến nay, công ty đã có cơ ngơi là 2 xưởng sản xuất với tổng diện tích 15.000m2, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động trực tiếp tại công ty và 2.000-3.000 lao động gián tiếp (bằng cách đặt hàng làm theo sản phẩm tại nhà), với thu nhập bình quân 4-8 triệu đồng/người/tháng. |