Nói theo ngôn ngữ “phây” (facebook), hiện nay có một sự GATO (ghen ăn tức ở), ganh tỵ không hề nhẹ!
Nhớ lại vào khoảng năm 1976, tôi được ra Hà Nội đi học. Những ngày đầu tiên tại thủ đô, tôi thường dành thời giờ đi tăm tia các cửa hàng sách trên phố cổ Tràng Tiền. Thấy được quyển truyện ngắn của G.Maupasant trên kệ sách trong cửa hàng sách quốc doanh, tôi mừng quýnh và dốc hết tiền trong túi quyết mua cho bằng được. Thế nhưng cô hàng sách dứt khoát “sách mẫu không bán được anh ơi”. Năn nỉ như thế nào cũng là sách mẫu. Thế là phải quay tìm mấy tiệm sách cũ. Thời may, gần trường tôi lúc đó có một ông già chuyên mua bán sách cũ với giá trên trời tại gốc cây đa.
Khi vào lại TPHCM thì tình hình mua được sách để đọc cũng rất là tình hình. Muốn đọc sách hay phải vào thư viện thì thật là cơ cực, bực mình cho những thằng bạ đâu cũng đọc như tôi. Mua được quyển sách giấy vàng khè, chữ in nhạt nhòe, không rõ vì chữ chì lâu quá đã bị mòn, cũng là sướng, đi khoe nhưng không cho mượn khắp bạn bè. Dân tập tành viết văn, làm báo ngày xưa mua được quyển kịch của Kornaytruc, Arthur Miller, truyện của Maxim Gorki… là sướng cả tuần.
Nhìn lại thấy thế hệ 8x, 9x ngày nay sướng thật. Sách cũ, sách mới tràn đường. Rồi hội sách hai năm một lần, đường sách xuất hiện. Đi đâu cũng thấy tiệm sách và sách lại in rất đẹp. Đã qua rồi thời kỳ trang sách xấu như con ma lem. Bây giờ, giấy in sách trắng bong, thật nhẹ cầm sướng cả tay. Chữ in rõ ràng, đôi lúc còn minh họa thật đẹp. Chưa hết, trên kệ sách, người đọc còn có thể tìm cho mình đủ loại sách từ trên thông thiên văn đến dưới thông địa lý; sách tìm hiểu con người từ phía ngoài đi vào và từ phía trong đi ra. Có sách ngôn tình và cũng có sách gợi tình; có sách dạy cứu thương thì cũng có sách dạy thập bát bang võ nghệ. Sách tăng giá, sách giảm giá như cho không. Các thể sách sống chung vui vẻ cùng nhau trên kệ.
Nhưng cái sướng cho giới trẻ đọc sách là gặp được nhà văn thần tượng của mình.
Trong những ngày hội sách, các NXB, các công ty sách tổ chức cho tác giả giới thiệu sách và giao lưu cùng bạn đọc. Bạn đọc trẻ, già nhiều thế hệ và giới tính cũng như vùng miền có thể gặp và đặt câu hỏi với các nhà văn Nguyễn Đông Thức, Lê Minh Quốc, Đỗ Hồng Ngọc, Phạm Công Luận… Các bạn có thể nắm tay và có thể… hôn cả thần tượng. Điều mà thế hệ của chúng tôi không mơ thấy nổi.
Thời ấy, đối với những người viết trẻ chúng tôi làm sao có cơ hội tiếp xúc được với các nhà văn như thế này. Nhà văn là những ông thuộc thể loại gì đó sống trên cao trên mây, là thánh, là thần mà chúng tôi chỉ mơ tưởng được nhìn. Có dịp nào đó gặp ông trong quán ăn mậu dịch, một quán cà phê chui, một quán phở bò chính hiệu trong ngách nhỏ thì tôi ngất ngây con tàu say suốt cả tuần và giai thoại khi gặp các “ổng” kể cả tháng không hết. Mà mỗi lần kể thì tội gì tôi không phịa thêm một chút, kéo violin để cho mình trở nên quan trọng hơn trong mắt bạn bè văn chương, mà thật tình là chỉ được nhìn ổng húp nước phở sồn sột từ cái bàn trong góc khuất. Hồi nhỏ, có lần nghe nhà văn viết cho lứa tuổi thích ô mai mở quầy sách giới thiệu sách của ông tại thương xá Crystal Palace (tòa nhà ITC đã bị cháy) là tôi phải chầu chực sắp hàng từ sáng sớm với số tiền ít ỏi để dành mua sách, xin chữ ký và được ngắm ông từ xa… Đó là lần đầu tiên tôi gặp được ông nhà văn bằng xương bằng thịt mà tôi còn nhớ đến bây giờ.
Xin nhắc lại là một sự ghen tỵ không hề nhỏ với bạn đọc ngày hôm nay. Bạn được mời gọi đi hội sách, mua sách và gặp gỡ nhà văn, người viết sách, được tác giả tặng chữ ký, được bắt tay và những cô gái xinh đẹp còn được nhà văn hôn nữa. Sướng tuyệt cú chưa?
Đó là những điều tuyệt vời từ hội sách cho những người mê sách. Và còn tuyệt vời hơn nữa là khi bạn giở từ trang sách đầu tiên ra… Chữ nghĩa nó thơm lắm! .
Nhà văn Lê Văn Nghĩa