Khi chứng kiến người CCB quên ngày tháng để làm công việc không lương ấy, tôi mới hiểu rằng, chỉ những người từng vào sinh ra tử nơi trận mạc mới thấy hết giá trị của một cái tên mà cha mẹ đã đặt cho!
Cảm xúc từ một hành trình
Năm năm trước, tôi vô tình đọc được 2 câu thơ trên bàn làm việc của CCB Trần Đình Huân ở Gia Lâm, Hà Nội: “Đã hết Tết Bính Thân, nhành lão mai thêm đợt nở hoa muộn/ Mong tìm được tên nhau, để viết lên phủ kín cả sơ đồ”… Kèm theo 2 câu thơ là hình ảnh sơ đồ Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào với từng hàng, từng ngôi mộ đánh mã số hài cốt cùng một ô trắng tương ứng, chờ điền vào đó mã số thân nhân và họ tên liệt sĩ khi đối chiếu chính xác.
Năm 2011, CCB Trần Đình Huân sang Xiangkhouang để tìm chú ruột và cũng là đồng đội của mình - liệt sĩ Trần Quốc Bảo, một người lính của Trung đoàn 866. Thế nhưng, khi sang đến nơi, gặp các nhân chứng thì ông mới biết, hầu hết các liệt sĩ an táng trên địa bàn Xiangkhouang đều đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.
Mang rất nhiều hy vọng vào Nghệ An sẽ tìm được mộ chú, nhưng khi vào đến nghĩa trang, hình ảnh đập vào mắt ông là hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên. Đến lúc này, ông hiểu, việc trả lại tên cho liệt sĩ chỉ có thể dựa vào hồ sơ gốc mà thôi.
Trở về nhà, ông tập hợp đơn của các thân nhân liệt sĩ mặt trận 31, mang vào Sư đoàn 31 ở Bình Định, đề nghị cung cấp hồ sơ gốc của liệt sĩ, nhưng ông bị từ chối. Bởi lúc này, hồ sơ liệt sĩ vẫn còn là bí mật quốc gia. Trước khi ra Bắc, ông vào thắp hương tại phòng khánh tiết các liệt sĩ mặt trận 31, rồi bật khóc.
Chứng kiến hình ảnh ấy, đồng chí Đoàn Long An, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 31 và đồng chí Nguyễn Tiến Quang, Tham mưu trưởng Sư đoàn 31 đã bàn bạc và thống nhất sẽ cung cấp toàn bộ hồ sơ gốc của liệt sĩ cho ông Huân.
Cựu chiến binh Trần Đình Huân kiểm tra hồ sơ và đối chiếu thông tin liệt sĩ CCB Trần Đình Huân bảo: “Vào thời điểm ấy, các đơn vị liệt sĩ vẫn chưa được giải mã (năm 2013, Cục Quân lực mới giải mã phiên hiệu ký hiệu các đơn vị trong chiến tranh), việc cung cấp thông tin được coi là bí mật quốc gia như hồ sơ liệt sĩ là một quyết định vượt tầm, nhưng đồng chí Đoàn Long An vẫn sẵn sàng chịu trách nhiệm, kể cả bị kỷ luật”.
Cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc đến Đại tá Đoàn Long An, CCB Trần Đình Huân lại rưng rưng xúc động.
Bán hết nhà cửa, xe cộ để lo tìm tên cho liệt sĩ
Sau khi sao lục toàn bộ hồ sơ gốc của liệt sĩ mặt trận 31, CCB Trần Đình Huân mang ra Bắc và gửi trong két bảo hiểm của một ngân hàng. Ông bảo, chỉ khi toàn bộ hồ sơ được lưu giữ cẩn thận, ông mới thở phào nhẹ nhõm, vì đó là sinh mệnh của ông và sự nghiệp chính trị của rất nhiều người. Do tính bảo mật của hồ sơ nên CCB Trần Đình Huân phải tự tay số hóa, đối chiếu thông tin của liệt sĩ và thân nhân.
Thời gian đầu, ông vẫn đi làm ở tổ chức phi chính phủ, tối về mới tranh thủ tổng hợp thông tin liệt sĩ, nhập vào máy tính. Hôm nào công việc cũng kéo dài đến nửa đêm. Sau nửa năm, sức khỏe của ông giảm sút nghiêm trọng, nếu cứ tiếp tục làm song song 2 việc thì tim không chịu nổi (ông đã phải đặt 2 stent động mạch vành).
Cuối cùng, ông quyết định xin nghỉ việc ở tổ chức phi chính phủ. Ông tâm sự: “Đó là một quyết định rất khó khăn, nhưng nếu cứ bị phân tâm giữa kiếm tiền và tìm liệt sĩ, tôi sẽ không làm được gì cả”.
Sau khi nghỉ việc, ông dành hết thời gian cho các liệt sĩ, ngoài nhập hồ sơ, liên hệ với các tình nguyện viên tìm thông tin thân nhân trên cả nước, ông cũng chuẩn bị văn bản gửi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An kèm đơn đề nghị “Tìm giải pháp khắc phục hậu quả của việc thất lạc danh tính liệt sĩ”.
Ngoài ra, ông cũng yêu cầu khai quật mộ để tìm tên cho các liệt sĩ, nếu không đủ điều kiện xác định tên bằng hồ sơ thì lấy mẫu giám định ADN đối chiếu với thân nhân. Do yêu cầu làm nhanh, khối lượng công việc đồ sộ, những cuộc đàm thoại kéo dài hàng tiếng đồng hồ và nhiều lúc xúc động quá, căn bệnh tim tái phát, ông nhập viện liên tục, có thời điểm tưởng như không qua khỏi. Thế nhưng, chỉ cần xuất viện, ông lại lao vào kiểm tra hồ sơ và đối chiếu thông tin liệt sĩ với thân nhân.
Do vượt ngoài tầm xử lý của tỉnh Nghệ An nên những đề xuất của ông Huân sau đó được gửi tới Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là Đại tướng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền.
10 ngày sau, ông nhận được giấy mời tham dự cuộc họp liên bộ (Bộ Quốc phòng và Bộ LĐ-TB-XH) cùng Cục Chính sách, Cục Người có công và đại diện Ban liên lạc Thân nhân liệt sĩ mặt trận 31 tại Hà Nội.
Ngay sau cuộc họp, thủ trưởng 2 bộ đã giao nhiệm vụ cho Cục Chính sách và Cục Người có công lập kế hoạch phối hợp thực hiện việc lấy mẫu sinh phẩm của các liệt sĩ mặt trận 31 ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào đối chiếu với mẫu phẩm thân nhân liệt sĩ theo hồ sơ mà CCB Trần Đình Huân sao lục từ Sư đoàn 31.
Việc lấy mẫu thân nhân không đơn giản là có hồ sơ thì tiến hành được, bởi sau gần nửa thế kỷ, ở các địa phương có nhiều thay đổi. Nhiều tỉnh tách ra, nhiều tỉnh nhập vào, nhiều gia đình đã chuyển đến nơi khác sinh sống…
Ông Huân bảo, trong hơn 3 năm tiến hành tìm kiếm nguồn gien phù hợp với các liệt sĩ, hàng ngàn cuộc di chuyển, hàng trăm ngàn cuộc điện thoại được gọi đến và gọi đi, hàng trăm bộ hồ sơ thân nhân nặng hàng chục ký được chuyển đến rất nhiều địa phương để chứng minh việc mình đang làm hoàn toàn khoa học.
Tất cả chi phí ấy ông bỏ tiền túi để làm. Nhiều thân nhân thấy ông bán hết nhà cửa, xe cộ để lo tìm tên cho liệt sĩ, đề nghị được đóng góp cùng, nhưng ông từ chối.
Trong thời gian đi tìm liệt sĩ, có những thời điểm, đến vài ngàn mua vé xe buýt để mang hồ sơ đi gửi cho các tiểu ban liên lạc ông cũng chẳng có. Những điều đó, chỉ những ai bên ông mới hiểu, ông đã cố gắng thế nào. Vậy nhưng cũng bằng ấy thời gian, ông không một lần chia sẻ khó khăn của mình, bởi ông không muốn mọi người lo lắng.
Những cố gắng của ông cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án 150 (sau này nhập vào Đề án 1237 và trở thành Đề án 515) mở ra một hướng đi mới trong việc xác minh danh tính cho liệt sĩ.
Mỗi lần tới nhà CCB Trần Đình Huân, nhìn lên tấm sơ đồ Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào treo trên tường, tôi lại nghẹn ngào. Chẳng có từ nào diễn tả hết việc làm ý nghĩa mà CCB Trần Đình Huân dành cho các liệt sĩ, ông cứ lặng lẽ làm, mong “tái sinh” các liệt sĩ của mặt trận 31.
Cho đến nay, bằng phương pháp giám định gien, Cục Người có công đã lấy gần 9.000 mẫu hài cốt và hơn 2.200 mẫu phẩm thân nhân liệt sĩ chuyển cho các đơn vị giám định để phân tích, đối chiếu theo nguyện vọng của các thân nhân. Sau 5 năm thực hiện, đã có rất nhiều liệt sĩ được trả lại tên, trong đó phần lớn là liệt sĩ của mặt trận 31. Vì vậy mà trên tấm sơ đồ Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào, những ô trắng đã không còn nhiều như trước bởi có nhiều mã số thân nhân và mã số liệt sĩ đã được viết vào. |
TIỂU THÚY