Chứng kiến câu chuyện trên tại nhà anh Lợi, ngụ đường Phạm Đình Hổ, phường 2 (quận 6, TPHCM), chúng tôi tò mò hỏi: “Anh quen người tên Bình hả?”. “Không, tôi có biết gì đâu. Nhà tôi nguyên trước kia là khu tập thể có 17 hộ với cả trăm nhân khẩu sinh sống. Sau khi bán nhà, các hộ ra đi nhưng không chuyển hộ khẩu về nơi ở mới, vẫn lấy địa chỉ căn nhà cũ của mình để khai các hồ sơ pháp lý và giao dịch dân sự. Gia đình tôi bất đắc dĩ trở thành “người đưa thư”, trả lời về tung tích của họ mỗi khi chính quyền địa phương gửi thông báo hay có người tìm đến theo địa chỉ thường trú ghi trong hồ sơ, giấy tờ”…
Theo một cán bộ UBND phường 2, tình trạng người dân đã bán nhà, chuyển đi nơi khác sinh sống nhưng không chuyển hộ khẩu về nơi ở mới là khá phổ biến trên địa bàn. Không riêng gì tại quận 6, nhiều quận nội thành cũng có tình trạng tương tự. Đây là tâm lý của người dân muốn giữ hộ khẩu tại các quận trung tâm để được hưởng các chính sách về y tế, giáo dục tốt hơn so với nhiều khu vực.
Cũng vị cán bộ này cho biết, dân số thực tế quản lý theo đăng ký hộ khẩu của toàn phường 2 lên đến hơn 12.000 người. Nhưng ghi nhận từ đợt tổng điều tra dân số và nhà ở toàn quốc ngày 1-4 vừa qua, dân số của phường chỉ còn hơn 9.000 người. Trong đó có cả ngàn người từ nơi khác đến tạm trú tại địa bàn và được tính vào dân số chung của phường. Thực trạng cư dân ở một nơi - quản lý hành chính một nơi, đã gây ra nhiều phức tạp, nhất là về an ninh trật tự, quản lý hành chính.
Nghị định 31/2014/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thực hiện Luật Cư trú quy định: Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới và có đủ điều kiện đăng ký thường trú thì người thay đổi chỗ ở hợp pháp hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú tại chỗ ở mới. Quy định là vậy, nhưng thực tế nhiều cơ quan hành chính cấp phường xã, thị trấn đã thiếu tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện, dẫn đến tình trạng cư trú một nơi, hộ khẩu một chỗ khá phổ biến ở TPHCM.