Các tác phẩm của nhà văn Minh Khoa |
1. Tôi biết ông từ những năm 1990, khi ông làm Tổng biên tập Báo Sân khấu. Đó là thời hoàng kim của tờ báo này. Một bài được in trên báo đủ nuôi sống tôi một tháng sung túc. Một hôm, tôi gởi đến tòa soạn truyện ngắn Đêm xuân. Cố nhà văn Ngọc Linh, lúc đó là Phó Tổng biên tập phụ trách nội dung, nói với tôi: “Mày gặp ông Tám Khoa đi. Ổng không tin mày viết truyện này!”. Tôi gặp ông, qua trò chuyện, ông rất vui, xác nhận: “Nghe ông Ngọc Linh nói tác giả còn ở tuổi hai mươi, chú hoài nghi, cháu còn trẻ quá sao lại có thể viết cái truyện sâu về nỗi đau đàn bà như vậy chớ!”. Rồi từ đó, ông rất quý tôi.
Mới hôm nào, mà cũng đã hơn 15 năm rồi, ông đến Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cùng phu nhân dự buổi ra mắt tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ của tôi. Ông thật sự vui mừng khi nhìn thấy thế hệ cầm bút tiếp nối, so với ông còn rất trẻ tuổi nghề, cũng chọn lấy đề tài chiến tranh cách mạng để dấn thân và viết. Ông tặng tôi bộ áo dài “để mặc đẹp khi gặp gỡ công chúng, độc giả. Chú thích nhìn phụ nữ mặc áo dài”.
Rồi cũng từ đó, chú cháu đôi lần gặp nhau, ông tặng bộ sách Những người hào kiệt, Bà má Cây Mai... Cầm trên tay tác phẩm của ông, tôi không khỏi rưng rưng khi biết ông đã phải bỏ tiền túi khá lớn so với lương đại tá về hưu để in bộ sách đồ sộ mà ông tâm huyết về những anh hùng thời đại mà ông gặp. Tôi buột miệng thốt lên: “Chú cũng chính là một hào kiệt!”. Điều khá mủi lòng, ông viết hàng trăm chân dung anh hùng chiến sĩ đầy cá tính, sống động - những con người góp phần làm nên lịch sử một thời, nhưng không màng nhờ ai viết một chân dung tấm vóc, sâu về mình. Lúc đó, tôi khởi lên ý nghĩ mình phải viết về ông. Nhiều ý tưởng nhưng rồi bị cuốn theo bao chuyện, tôi định gặp ông nhưng rồi nghe tin ông ra đi...
2. Đời cầm bút, đôi khi ngồi ngẫm lại, tôi chợt thấy dội lên trong lòng mình một cảm giác nuối tiếc khó tả, khi nhớ lại mình đã từng bỏ qua, đánh mất rất nhiều khoảnh khắc yêu thương. Tiếc thay, cơ hội sửa sai dường như không bao giờ có. Tôi biết, nơi thế giới bên kia, ông không nỡ trách mà mỉm cười đầy cảm thông với tôi, bởi lúc còn sống, đôi lần ông có tâm sự với tôi về sự “nuối tiếc” này.
Đó là khi trên đường vượt Trường Sơn vào Nam, trên con đường bí mật, ông đã gặp một chân dung hào kiệt. Đó là một cán bộ người Kinh, trong những năm đen tối nhất đã cà răng căng tai, cải trang làm người Ê-đê, chôn tất cả những dấu vết người miền xuôi. Hàm răng của cha mẹ cho rất đẹp. Vậy mà anh đã phải dùng đá đập gãy, ghè từng chiếc một. Người cán bộ miền xuôi ấy đã âm thầm nhận lấy nhiệm vụ ở lại núi rừng Tà Luông, dựng trạm giao liên, phục vụ cách mạng:
“Trạm trưởng ngẩng đầu nhìn tôi. Hai chiếc khoen bằng thau trắng bóng căng rộng vành tai, đong đưa theo tiếng cười của anh. Hàm răng trên của anh cà sát, chỉ còn để lại một vạch màu ngà…”.
Vì lẽ đó, khi phát hiện ra anh là người Kinh, nhà văn Minh Khoa (lúc ấy là một chiến sĩ trong đoàn Phương Đông - đoàn quân có quy mô cỡ lớn đầu tiên gồm khung Bộ chỉ huy Miền và các Quân khu Nam bộ trên con đường Trường Sơn mới mở về Nam chiến đấu) đã vỡ òa trong lòng bao xúc cảm. Lúc ấy, ông mới thấy 7 ký gạo mình được nhận, miếng thịt heo mình được ăn ở trạm giao liên giữa núi rừng Trường Sơn, thay cho món măng luộc hàng tháng trời, thật trĩu nặng ân tình, chứa đựng bao hy sinh thầm lặng. Trong khoảnh khắc đó, ông như nuốt vào lòng hình ảnh yêu thương, hoành tráng của người trạm trưởng:
“Tôi lần ra phía trước. Tôi muốn ngắm anh từ phía trước mặt. Tôi ngắm anh như họa sĩ bắt gặp người mẫu. Thân hình anh trần trụi. Vai ngang, ngực nở của một lực sĩ chơi tạ. Anh hệt như một pho tượng đồng đen. Thỉnh thoảng anh cũng tò mò liếc nhìn tôi. Khi hai luồng mắt gặp nhau, anh lại cười trừ. Hai hàm răng cửa mòn vẹt, chỉ toàn là lợi”.
3. Ý thức sự ngắn ngủi của kiếp người, sự mong manh của số phận, nhà văn Minh Khoa đã giành giật với thời gian, dùng ngòi bút của mình để tạc nên chân dung những con người hào kiệt của thời ông đang sống. Tôi rơi nước mắt khi đang ngồi viết những dòng về ông, bởi tôi biết nhiều năm qua, ông đã giành giật với chứng bệnh hiểm nghèo, để liên tục cho ra đời Những người hào kiệt.
Ông đã huy động mọi sức lực, tài lực, mọi tinh túy còn sót lại của mình để làm công việc khắc họa chân dung, để chống lại sự lãng quên, để một mai khi sức cùng lực kiệt, ông không hối tiếc vì mình đã làm tất cả để ghi lại những khoảnh khắc yêu thương. Nhiều năm trôi đi, tôi vẫn giữ lá thư ông gửi cho tôi, như một tâm thư đầy tin tưởng, kỳ vọng vào người trẻ nối tiếp con đường viết về những hào kiệt một thời...
Một đoạn thư viết: “Chú vẫn đang tranh thủ viết, tập Hào kiệt 3 (Nam bộ kháng chiến) cả hai thể loại truyện và kịch bản sân khấu. Chú Minh Khoa cũng mới đọc bài Nửa thế kỷ một mối tình dang dở, của Trầm Hương. Chúc cháu giữ sức khỏe để viết và viết. Đang mong và rất mong có những tập sách của nhà văn hào kiệt Trầm Hương về những hào kiệt Nam bộ”.