Khiêm tốn, giản dị, chan hòa
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kể, trong 5 năm làm việc dưới sự điều hành của đồng chí Huỳnh Tấn Phát, ông rất ấn tượng với nụ cười lạc quan của đồng chí. Nguyễn Túc, chính nụ cười lạc quan yêu đời và rất hồn nhiên đó đã giúp đồng chí Huỳnh Tấn Phát vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm để trở thành một trí thức lớn trong ngành kiến trúc Việt Nam, một lãnh đạo xuất sắc của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bằng cảm nhận của mình, ông Nguyễn Túc chia sẻ, đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một nhà lãnh đạo điềm đạm, cởi mở, giàu lòng nhân ái. Những năm đồng chí phụ trách Mặt trận là những năm đất nước ta gặp nhiều khó khăn, song đồng chí luôn lạc quan và truyền sự lạc quan đó đến toàn bộ nhân viên và rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự tất thắng của dân tộc.
Không chỉ vậy, đồng chí Huỳnh Tấn Phát là người rất đặc biệt, một trí thức tài năng nhưng rất mực khiêm tốn. Ông đặc biệt quan tâm đến cuộc sống của cán bộ, nhân viên, nhất là những người trực tiếp giúp việc cho ông. Ông Nguyễn Túc nhớ lại, vào những năm 80 của thế kỷ trước, đời sống của nhân dân nói chung, cán bộ, công nhân viên nói riêng rất khó khăn. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là người thông cảm sâu sắc với những khó khăn của anh em. Khi thấy gia đình ông Nguyễn Túc sống trong căn nhà quá chật chội, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã đề xuất ông chuyển đến một căn nhà khác đầy đủ, rộng rãi hơn.
Về cơ sở để gần dân
Lật giở cuốn tài liệu Đại hội MTTQ Việt Nam TPHCM lần thứ 4 (năm 1983), ông Nguyễn Hữu Châu, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, cho chúng tôi xem lại bài phát biểu của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, khi ấy là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Trên những trang giấy đã ố vàng ấy, ông Nguyễn Hữu Châu tỉ mỉ gạch chân nội dung “Chuyển mạnh phong trào xuống cơ sở, đi sâu vào cuộc sống của nhân dân và huy động phong trào cách mạng sâu rộng của quần chúng trên địa bàn dân cư, vì như đồng chí Lê Duẩn đã nói: Cuộc sống là ở cơ sở, cách mạng là ở cơ sở”. Theo ông Châu, đó là điều ông tâm đắc trong bài phát biểu của đồng chí Huỳnh Tấn Phát, và ông đã vận dụng điều ấy trong suốt quá trình công tác ở nhiều cương vị của mình.
Ông Nguyễn Hữu Châu kể, đầu năm 1984, trong lần đi tìm hiểu cuộc sống người dân tại phường 21, quận Bình Thạnh, ông Châu và cán bộ mặt trận khi ấy thấy các gia đình sống ở khu vực đường lớn khá khang trang. Tuy nhiên, khi ông rẽ vào một con hẻm nhỏ thì bắt gặp nơi ấy nhiều người dân không có nhà, phải mắc võng ngủ. Vậy là nhóm công tác đã làm đề xuất thí điểm xây 20 căn nhà cho dân theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. “Đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã nói: Cách mạng là ở cơ sở. Và thực tế, nếu không đi sát vào cuộc sống của người dân, có lẽ chúng tôi đã bỏ sót những khó khăn này của người dân”, ông Nguyễn Hữu Châu bày tỏ.
Sự ngưỡng mộ mà ông Nguyễn Hữu Châu dành cho đồng chí Huỳnh Tấn Phát không chỉ dừng ở việc đồng chí là bạn cùng chiến đấu với cha ông (Luật sư Nguyễn Hữu Thọ) mà còn bởi sự gần gũi, chân tình, thấu hiểu của đồng chí đối với mọi người. Đã hơn 60 năm kể từ lần đầu tiên được gặp đồng chí Huỳnh Tấn Phát ở chiến khu tại Củ Chi vào năm 1962, khi mới 19 tuổi, nhưng ông Châu vẫn nhớ mãi cách đồng chí Huỳnh Tấn Phát giúp ông hiểu và vun bồi lý tưởng cách mạng. “Chỉ qua những câu hỏi đơn giản, lời giải thích đơn giản, chú Tám Chí (cách ông Châu gọi thân mật đồng chí Huỳnh Tấn Phát) giúp tôi sáng thêm lý tưởng của mình. Quyển sách viết về Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa Mác - Lê Nin bằng tiếng Pháp chú Tám Chí tặng tôi lần ấy càng giúp tôi vững tin vào con đường mình đã chọn”, ông Châu nhớ lại.
Đức tính giản dị, cả đời gắn bó với nhân dân, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân cũng được ông Nguyễn Hữu Châu cảm nhận được khi đồng chí Huỳnh Tấn Phát về hưu. Khi ấy, ông Nguyễn Hữu Châu nhiều lần có dịp đến nhà thăm và liên hệ công việc với vợ đồng chí Huỳnh Tấn Phát là bà Bùi Thị Nga tại căn nhà trên đường Ngô Thời Nhiệm (quận 3, TPHCM). Ông Châu kể, cuộc sống của đồng chí Huỳnh Tấn Phát rất giản dị, khi tiếp xúc với mọi người, đồng chí rất gần gũi, không quan cách. Chính điều ấy đã tạo cảm giác thân thuộc cho người đối diện. “Ở chú Tám Chí, người đối diện cảm nhận được nét chính trị, văn hóa, đạo đức luôn hòa quyện. Từ đó đã làm nên chân dung một vị lãnh đạo sống chan hòa, lạc quan và dễ mến, nhà trí thức chân chính, tiêu biểu của dân tộc Việt Nam”, ông Nguyễn Hữu Châu bày tỏ.