Mùa xuân nơi làng mới
Ông Hồ Văn Trung, Trưởng thôn Khe Chữ, dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh làng, qua những con đường rộng rãi, mặt không giấu được vẻ vui mừng: “Từ ngày về đây, bà con yên tâm không sợ mưa gió, sạt lở nữa rồi”. Không vui sao được, khi chỉ mới 3 năm trước đây (tháng 11-2017), một ngọn núi đã bất ngờ sạt lở đổ xuống ngôi làng Khe Chữ (cũ) vùi lấp 6 ngôi nhà, khiến 4 người chết, 144 ngôi nhà bị hư hỏng, con trai ông Trung cũng thiệt mạng trong vụ lở núi này.
Tháng 8-2017, làng Khe Chữ được di dời sang vị trí mới, cách làng cũ 4km. Sau những tang thương, cuộc sống người dân nơi làng mới cũng dần ổn định. Vợ chồng ông Trung mở cái quán nhỏ bán bánh kẹo, mì gói và một số vật dụng cho gia đình. Người con trai còn lại làm nương rẫy nên những khó khăn cũng dần qua đi. Đặc biệt, sự an tâm ở ngôi làng mới khiến ai cũng hài lòng. Theo ông Hồ Văn Trung, tuy năm nay thời tiết thất thường, lúa trỉa không lên, nhưng bù lại nhà ai cũng nuôi heo, gà, trồng cây trái, dược liệu nên tết có thể bán để sắm đồ và mua bánh, thịt cúng ông bà.
“Hồi còn làng cũ, trẻ em không muốn đến trường vì đường sá khó đi, nhưng bây giờ thì tụi nhỏ đã không còn bỏ học, giáo viên cũng không còn phải cất công đến từng nhà để vận động học sinh đến lớp. Điều kiện sống nơi đây đã tốt hơn rất nhiều”, ông Trung nói. Cô Nguyễn Thị Ngọ, giáo viên mầm non tại Điểm Trường Khe Chữ, cho biết thêm, có được kết quả trên, bên cạnh ý thức của bà con đã thay đổi thì đường sá tiện lợi, điều kiện trường lớp khang trang hơn nên học sinh đi học chuyên cần.
Không chỉ làng Khe Chữ, tại 2 xã Trà Giáp và Trà Ka (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), nơi gần 3 năm trước sạt lở khiến nhiều người chết và gần 500 hộ dân dự báo bị cô lập, tết năm nay cũng rộn ràng niềm vui. Thắp nén hương cho người thân, ông Nguyễn Thanh Bình (tổ Đàng Bộ, thị trấn Bắc Trà My), người có mẹ, vợ và em ruột chết trong trận sạt lở năm 2017, chia sẻ: “Nhờ sự chung tay của cộng đồng và bà con lối xóm nên giờ cuộc sống của tôi cũng tương đối ổn định. Nhà cửa bây giờ kiên cố, cũng thấy đỡ lo.
Tất cả vì đồng bào
Theo ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, kể từ khi người dân Khe Chữ về làng mới, huyện đã tập trung chỉ đạo khắc phục các tuyến giao thông nhằm đảm bảo giao thương xuyên suốt, nhất là hàng hóa nhằm phục vụ, cứu trợ đồng bào. “Không chỉ Khe Chữ mà nhiều khu vực bị sạt lở khác, huyện đều ưu tiên tập trung giải quyết, di dời bà con về nơi ở ổn định, ông Mẫn thông tin.
144 hộ dân làng Khe Chữ đều có nhà ở và nơi sản xuất ổn định. Điện nước, hệ thống giao thông, trường học được đảm bảo. Hàng hóa không còn tình trạng khan hiếm như trước đây. Hiện tại, các tuyến đường vào làng Khe Chữ đã được bộ đội và tỉnh xây dựng, đồng thời tiếp tục hoàn thành các tuyến đường khác đảm bảo giao thông trong làng. Nhà nào giờ đây cũng có điện sáng, có ruộng lúa, hoạt động buôn bán cũng rộn ràng hơn ở làng cũ.
Tại huyện Bắc Trà My, ngoài quan tâm đến những hộ dân bị thiên tai, vấn đề chăm lo tết cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện cũng được chính quyền triển khai rộng khắp, nhất là các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo... nhằm đảm bảo không ai thiếu ăn trong dịp tết.
Theo ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, với những vùng sạt lở, bên cạnh thực hiện theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh về hỗ trợ miền núi thì huyện cũng đã xây dựng một nghị quyết riêng để đảm bảo bà con đều có cái tết ấm áp, no đủ. “Huyện đã đề ra Nghị quyết 57 nhằm rà soát tất cả đối tượng chính sách sao cho đảm bảo phù hợp. Trong 2 năm thực hiện nghị quyết này, đời sống của người dân đã được cải thiện tốt hơn”, ông Thái Hoàng Vũ kết luận.