Những căn nhà đang bị sụt lún, nghiêng xuống sông Vàm Cỏ Tây |
* Tại tỉnh Long An, khu vực Bến đò Chú Tiết (phường 1, TP Tân An), sạt lở làm sụt lún, nghiêng nền hàng chục căn nhà ven sông Vàm Cỏ Tây, có nơi lún sâu gần nửa mét khiến nhà dân nứt vách.
Hiện tượng sụt lún mỗi ngày một nghiêm trọng khiến người dân thấp thỏm , lo âu nhưng chẳng biết phải làm sao, chỉ biết mua xà bần, sắt gia cố tạm.
Nền nứt, tường nghiêng, người dân chỉ biết gia cố tạm để ở |
Bà Trần Thị Ơn (người dân sống ven sông Vàm Cỏ Tây thuộc phường 1, TP Tân An, tỉnh Long An) cho biết, cả gia đình đang phải đi thuê nhà ở vì căn nhà hiện tại bị nghiêng xuống sông, mái vách nứt gãy. Hiện căn nhà của gia đình đang sửa tạm, sau khi sửa xong lại dọn về ở, đến đâu hay đến đó.
Theo bà Trần Thị Ơn, nơi này thuộc khu vực giải tỏa từ rất lâu nhưng đến nay không thấy chính quyền nói gì.
Người dân sống ven sông Vàm Cỏ Tây lo sợ "rơi xuống sông" |
Tại các tuyến đường ven sông thuộc, tình hình sạt lở, sụt lún đất tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, mức độ ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng.
Theo ông Võ Kim Thuần, Chi Cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn và thủy lợi tỉnh Long An, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều khu vực, điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân cư. Để có đủ nguồn lực tiếp tục triển khai thực hiện các dự án phòng, chống, xử lý sạt lở trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An kiến nghị Trung ương bố trí ngân sách từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2023-2025 hỗ trợ cho tỉnh thực hiện các dự án xử lý sạt lở cấp bách.
Người dân Long An dùng xà bần lấp những nơi lún |
* Còn tại Tiền Giang, mới đây, một đoạn đê dài khoảng 100 m phía Tây sông Phú An (thuộc xã Phú An, huyện Cai Lậy) vừa bị sạt xuống sông làm sụp nhiều trụ điện và đe dọa an toàn 2 nhà dân. Ngoài ra, tại đây còn 1 đoạn khoảng 80 m đang bị bong nứt, có nguy cơ sạt lở.
Một số tuyến đường ven sông ở Tiền Giang bị sạt xuống sông |
Trước đó, cuối tháng 5, đoạn đường huyện 54B cặp sông Ba Rài dài hơn 50 m (thuộc xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy) cũng bị sạt xuống sông. Vụ sạt lở đã gây chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Còn trên sông Trà Lọt (thuộc xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè), sạt lở khiến hàng chục hộ dân không dám ngủ trong nhà vì lo sợ bị cuốn xuống sông bất ngờ.
Một trại gà tại Tiền Giang bị sạt xuống sông Tiền |
* Ngày 17-7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 (Talim), trên địa bàn Hậu Giang đã xảy ra mưa, dông lớn trên diện rộng làm sập hoàn toàn 4 căn nhà, tốc mái 15 căn nhà tại các huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thủy, thị xã Long Mỹ và TP Vị Thanh, ước thiệt hại 262 triệu đồng.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã khẩn trương xác định và đánh giá mức độ thiệt hại; khảo sát toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng, bao gồm nhà cửa, cây cối, đường sá, công trình điện, nước; xác định mức độ thiệt hại; lập danh sách các hộ gia đình bị ảnh hưởng. Từ đó, làm cơ sở để chính quyền địa phương tăng cường lực lượng xung kích tổ chức sửa chữa, khắc phục cho người dân. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tuyên truyền, bố trí lực lượng để sẵn sàng giúp người dân ứng phó với tác động từ bão số 1.
* Tại An Giang, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang - Lương Huy Khanh cho biết, đơn vị đang tiếp tục phối hợp các ban, ngành và địa phương rà soát, theo dõi, cập nhật tình hình thiệt hại do rạn nứt, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn huyện Chợ Mới và huyện Châu Phú.
Một điểm sạt lở tại huyện Châu Phú (An Giang) |
Trên tuyến đường bờ Nam kênh Đào (ấp Mỹ Chánh, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú) đã xảy ra sạt lở tại vị trí tiếp giáp với đoạn sạt lở cũ. Tổng chiều dài sạt lở khoảng 5 m, ăn sâu vào mặt đê 2,5 m, sụp xuống khoảng 0,02 m. Sạt lở gây ảnh hưởng 1 lán trại (không có người ở) trên tuyến đường bờ Nam kênh Đào.
Trên tuyến kênh Mương Sung (thị trấn Hội An, huyện Chợ Mới) cũng xảy ra răn nứt, sụt lún đất; tổng chiều dài khoảng 45 m. Nguyên nhân ban đầu là, do ảnh hưởng của dòng chảy, mái ta-luy đường thẳng đứng, ảnh hưởng của những đợt mưa đã phá hoại kết cấu đất, ảnh hưởng từ các phương tiện giao thông thủy.
Nhiều ngôi nhà bị sụp ở An Giang |
Liên tục trong những ngày qua, trên địa bàn các huyện Châu Phú, Chợ Mới, Thoại Sơn xảy ra 5 vụ sạt lở bờ sông. Còn tính từ đầu năm tới nay, trên địa bàn tỉnh An Giang xảy ra ít nhất 45 điểm sạt lở, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022.
An Giang và Đồng Tháp là hai địa phương đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu có tổng số điểm sạt lở nghiêm trọng cao nhất khu vực ĐBSCL. Cuối tháng 10-2022, đoàn khảo sát trong dự án Quản lý khai thác cát bền vững tại ĐBSCL kết hợp cùng các nhà khoa học Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã xác định tình trạng sạt lở ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng hơn. Chỉ tính riêng tại huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp từ năm 1985 đến 2020, diện tích đất bị sạt lở là hơn 180 ha, trung bình mất khoảng 4,8 ha/năm.
Sạt lở uy hiếp đời sống người dân ở An Giang |
Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp ưu tiên giải pháp trồng rừng, gia cố bờ sông. Những nơi còn có đai rừng bảo vệ thì gia cố trồng thêm. Nơi nào không còn thì chọn giải pháp cứng hóa 3 mặt đê bao ngăn sạt lở (bên ngoài, bên trong và mặt đê). Chiều cao thân đê cũng được các địa phương thống nhất điều chỉnh từ 1,6 m lên khoảng 2,2 m để thích ứng với kịch bản nước biển dâng mới cập nhật.