Sau đó những trận mưa lớn kết hợp triều cường đã tiếp tục “gặm” vào các ngôi nhà ven biển. Rất nhiều điểm sạt lở ven biển đang tiếp tục diễn ra. Người dân cuống cuồng lo chống đỡ với sóng dữ.
Mấy ngày nay, bà Nguyễn Thị Cườm (thôn Phước Thiện 1, xã Bình Hải) đi xin những mảng tường nhà của những ngôi nhà bị đổ sập sau bão để đổ phía sau nhà, gia cố kè biển để chống sạt lở. Bà Cườm cho biết: “Bên ngoài thì lấy cây rào lại, bên trong khi bỏ bao cát, rồi thêm một lớp gạch, vậy mà, sóng biển cũng cuốn lấy hết”. Sóng biển đã làm sạt lở hơn 11m chiều dài phía sau nhà, ăn sâu vô đến 3m, cuốn trôi toàn bộ khu vực vốn là nhà bếp của bà Cườm.
Người dân ven biển không dám ở lại nhà, nhiều ngày nay, ông Nguyễn Thành Nam (thôn Phước Thiện 1, xã Bình Hải) chỉ về nhà vào ban ngày. Ban đêm thì ông lên nhà một người thân để ở vì sợ sóng biển đánh vào nhà bất cứ lúc nào. “Đêm ngủ mà nghe sóng ầm ầm cứ như vô tới bên nhà mình nên cứ phải chạy ra vô coi đồ đạc. Nhà tôi đã bị sóng biển ăn sâu vô đến 8m, mảnh đất trước kia dài rộng, có vườn, chỗ neo đậu tàu, giờ thì chỉ còn mỗi căn nhà cấp 4 là giữ được”-Ông Nam chia sẻ.
Nhiều nhà đã sạt lở đến móng nhà, tạo ra hàm ếch dựng đứng rất lớn, những khối đá to được kè cũng bị sóng cuốn.
Nhà chị Đỗ Thị Sương (thôn Phước Thiện 1, xã Bình Hải) cũng kè bằng bao cát, đóng cọc nhưng cũng bị sóng đánh sạt, ăn sâu đến 2m. Chị nói: “Nhà có 3 đứa con nhỏ nên mỗi lần mưa bão, triều cường lớn thì gửi con lên nhà người thân ở”.
Ông Phạm Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải, cho biết: “Tình trạng sạt lở bờ biển rất nghiêm trọng kéo dài 4km các thôn Phước Thiện, An Cường, Thanh Thủy, hơn 700 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở ven biển. Nhiều đoạn sóng biển ăn sâu vô 2-3m, có đoạn 4-5m. Lượng đất đá bị cuốn trôi từ 200-300 khối, rất nguy hiểm đến nhà dân”.