Cần xác định trách nhiệm cá nhân liên quan
Kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ đã xác định một số nội dung quan trọng dẫn đến khiếu kiện của người dân khi thực hiện dự án Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm. Trong đó, Kiến trúc sư trưởng TPHCM duyệt quy hoạch 1/2.000 đã “đưa ra” hơn 20ha đất của doanh nghiệp nhưng lại “đưa vô” ranh quy hoạch 4,3ha ở khu phố 1, phường Bình An. Trong phạm vi 5 phường (ngoài ranh KĐTM), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch khu tái định cư 160ha, nhưng UBND TP lại giao đất cho 51 dự án để xây nhà ở, văn phòng, khu vui chơi giải trí… với tổng diện tích lên đến gần 145ha. Hậu quả là, TPHCM không có đủ đất bố trí tái định cư theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định kết luận của Thanh tra Chính phủ đã xác định rõ các sai phạm cùng trách nhiệm của các cơ quan thẩm quyền của TPHCM. Khi không bố trí tái định cư ở nơi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TPHCM đã lấy đất nơi khác bố trí tái định cư là tiếp tục làm sai. Do đó, TPHCM cần áp dụng các quy định hiện hành để khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Đối với những hộ nằm ngoài ranh quy hoạch, trường hợp TPHCM không trả lại được đất cho người dân, có thể thực hiện hoán đổi ở nơi có giá trị tương đương hoặc bồi thường theo giá thị trường. Từng đại diện một số hộ dân Thủ Thiêm kiến nghị về quyền lợi của họ, Luật sư Hà Huy Sơn (Công ty TNHH Luật Hà Sơn) cũng cho rằng TPHCM phải thương lượng với người dân.
Luật sư Hà Hải lưu ý, sau khi thực hiện bồi thường, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân thì phải xác định trách nhiệm các cá nhân liên quan đối với các sai phạm, dẫn đến thiệt hại cho người dân. Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng cần xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan, thậm chí các doanh nghiệp được cấp dự án sai và hưởng lợi từ việc này. Từ đó, Nhà nước có biện pháp xử lý vi phạm và thu hồi tài sản của người thi hành công vụ đã làm sai để hoàn trả khoản tiền Nhà nước đã bồi thường cho người dân. Vì vậy, trên cơ sở kết luận của Thanh tra Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc làm rõ cá nhân có trách nhiệm và làm rõ sai phạm xuất phát từ nhận thức pháp luật, do nôn nóng thực hiện dự án hay do tư lợi, dẫn đến sai phạm.
Băn khoăn về ranh quy hoạch
Ở khía cạnh khác, ông Bùi Quốc Toản (có nhà, đất ở khu phố 1, phường Bình An) cho rằng, kết luận của Thanh tra Chính phủ chưa đầy đủ. Dẫn chứng nhiều văn bản, căn cứ pháp lý cùng bản đồ kèm theo, ông Bùi Quốc Toản nhấn mạnh, các khu phố 1, 2 phường Bình Khánh; khu phố 5, 6 phường An Khánh và khu phố 1 phường Bình An nằm ngoài quy hoạch khu trung tâm dự án đã được các cơ quan thẩm quyền trình, phê duyệt và điều chỉnh.
Ông Nguyễn Văn Khương (có nhà, đất ở khu phố 1, phường Bình Khánh) cho rằng, dù kết luận xác định 4,3ha ở khu phố 1, phường Bình An nằm ngoài ranh dự án nhưng Thanh tra Chính phủ vẫn chưa làm rõ pháp lý quy hoạch của dự án. Cùng đó là pháp lý thu hồi đất thực hiện dự án của Chủ tịch UBND TP (vào năm 2002) và các vấn đề liên quan đến bồi thường, giải quyết tái định cư.
“Đây là những vấn đề rất quan trọng, đã được người dân phản ánh và Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã không đề cập đến những nội dung này”, ông Nguyễn Văn Khương phản ánh.
Một số người dân chưa đồng ý với kết luận của Thanh tra Chính phủ khi chỉ nhắc đến 4,3ha nằm ngoài ranh quy hoạch. Trong khi đó, nhiều hộ dân thuộc 3 khu vực phường Bình Khánh, An Khánh và Bình An nói trên nằm ngoài quy hoạch trung tâm KĐTM Thủ Thiêm. “Chỉ khi ranh quy hoạch được làm rõ, xác định người dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dự án thì chúng tôi mới có nghĩa vụ giao nhà, giao đất”, ông Khương nhấn mạnh và cho rằng, kết luận của Thanh tra Chính phủ không làm rõ được vấn đề này, không đưa ra một tấm bản đồ nào xác định các hộ dân này.
Do đó, nhiều người dân yêu cầu các cấp chính quyền đối thoại thẳng thắn với người dân để làm rõ tính pháp lý mà họ đang khiếu nại, từ đó giải quyết dứt điểm các khiếu kiện của người dân.