Về nhà được hơn 1 tuần sau những ngày phải di dời đi nơi khác để đảm bảo an toàn, anh Hồ Văn Trí (41 tuổi, trú thôn Hồ, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa) chia sẻ: “Giờ trong thôn ai cũng bị ám ảnh với những tiếng nổ vọng ra từ núi. Cao điểm là vào tối ngày 17-10, khi đó có mưa lớn, gia đình đang ngủ thì bất chợt nghe liên tiếp nhiều tiếng nổ lớn phát ra từ phía các ngọn núi, sau đó ngôi nhà như bị rung lên. Mỗi tiếng nổ cách nhau chừng 3 đến 5 phút khiến mọi người hoảng sợ. Cả gia đình lúc đó chỉ biết chạy về nhà cộng đồng để trú.
Đến sáng mới thấy nhiều điểm sạt lở chi chít từ phía những ngọn núi, dọc đường liên thôn những tảng đá lớn, bùn đất ngổn ngang cùng cây cối trôi về vùi lấp nhiều đoạn đến nay vẫn chưa thể khắc phục được”.
Mưa lũ liên tiếp thời gian qua đã làm cho ngọn đồi sau nhà xuất hiện nhiều đường nứt kéo dài, rộng từ 40 đến 50 cm sâu hoắm nên chỉ cần mưa xuống là cả gia đình anh Xuân gồm 7 người lại phải đi đến chỗ nhà người quen cách đó gần 4km ở nhờ để đảm bảo an toàn. “Có nhà nhưng chỉ dám ở những ngày nắng thôi, trong tháng 10 thì cả gia đình hầu như phải ở chỗ khác vì sợ sạt lở. Rất mong các cấp chính quyền địa phương quan tâm để gia đình được chuyển đi nơi khác sớm ổn định cuộc sống”, anh Xuân lo lắng chia sẻ.
Ông Lê Trọng Tường, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn cho hay, trước tiên sẽ để bà con chủ động tìm địa điểm để chuyển tới, các hộ không tìm được điểm di dời thì hiện xã cũng đã bố trí được một quỹ đất gần trường mầm non thuộc thôn Ra Ly Rào với diện tích khoảng 2 ha để bà con chuyển đến.
Theo quy định, mỗi hộ di dời tối thiểu sẽ được cấp từ 60 đến 400m² đất, xã sẽ xem xét theo số nhân khẩu để cấp làm sao cho hợp lý nhất, cùng sẽ hỗ trợ 30 triệu đồng mỗi hộ khi di dời đến nơi ở mới, việc di dời dự kiến trong tháng 11 sẽ tiến hành. Trong thời gian chờ được di dời, người dân vẫn ở nhà cũ, xã cũng cắt cử lực lượng khi trời mưa lớn sẽ hỗ trợ đưa bà con đi nơi khác tránh trú để đảm bảo an toàn tính mạng.
Theo Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị, ảnh hưởng của mưa bão vừa qua, toàn tỉnh có 1.722 hộ với 6.220 nhân khẩu tại 26 xã của 4 huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh và Triệu Phong cần phải di dân đến nơi an toàn do nằm ở khu vực có nguy cơ sạt lở (trong đó có 21 hộ, 82 nhân khẩu ở 2 xã Hướng Lập và Hướng Sơn huyện Hướng Hóa buộc phải di dời khẩn cấp).
Tuy nhiên, việc di dời hiện gặp khó khăn nhất là vấn đề quỹ đất (mặt bằng, đường giao thông, hệ thống điện….) cùng tập quán sinh sống của bà con người đồng bào dân tộc nên cần thời gian đề tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận.