Ghi nhận tại cửa ngõ miền Tây, từ 15 giờ 30 đến tối cùng ngày, rất đông người dân đổ về thành phố thông qua các tuyến QL1A, QL50, cao tốc Trung Lương - TPHCM. Gần 17 giờ, trên tuyến quốc lộ 1 (đoạn cầu Bình Điền, huyện Bình Chánh), phương tiện xếp hàng dài, dòng ô tô di chuyển chậm, trong khi xe máy phải leo lên lề đường để lưu thông. Đến 18 giờ, dòng phương tiện liên tục dồn về tuyến đường này càng khiến tình hình giao thông trở nên căng thẳng. Tuyến đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), giao lộ QL1A - Võ Trần Chí (địa bàn qua quận Bình Tân và huyện Bình Chánh) cũng rất đông ô tô và xe máy di chuyển hướng vào các quận trung tâm. Tại các giao lộ đều có lực lượng CSGT điều tiết nên không xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài. Tại Bến xe miền Tây, xe chở khách từ các tỉnh miền Tây liên tục vào bến trả khách.
Tương tự, tại Bến xe miền Đông, trong buổi chiều cùng ngày, lượng xe chở khách từ các tỉnh trở về bến bắt đầu tăng dần, trong đó nhiều xe chở khách từ các địa điểm du lịch như Phan Thiết (Bình Thuận), Đà Lạt (Lâm Đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu...
Một số xe dừng bên ngoài bến trả khách để kịp quay đầu xe trở lại đón các đợt khách sau. Nhiều hành khách sau khi về tới bến mang theo nhiều hành lý đổ ra các tuyến đường gần bến để đón xe về nhà càng khiến giao thông trong khu vực trở nên khó khăn.
Tại Bến phà Cát Lái (nối quận 2, TPHCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), từ 16 giờ, lượng phương tiện của người dân từ các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu trở lại TPHCM tăng cao. Đầu Bến phà Cát Lái, phía huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, dòng xe xếp hàng dài gần 2km. Bến phà đã cử 10 nhân viên ra tận ngoài đường để bán vé cho hành khách, cũng như điều tiết cho phương tiện xuống phà nhanh chóng, tránh để hành khách chờ đợi lâu. Do hiện nay, tại Bến phà Cát Lái có hai cầu phà lên xuống nên việc vận chuyển khách diễn ra thông thoáng hơn.
Chiều cùng ngày, trên tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, lượng ô tô lưu thông theo hướng từ các tỉnh Nam Trung bộ, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu về TPHCM tăng cao nhưng không có xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, đến 18 giờ 30 cùng ngày, lượng xe từ các tỉnh trở về trên tuyến này tăng cao hơn nên có thời điểm bị ùn ứ cục bộ do phải chờ qua trạm thu phí.
* Chiều 11-4, các tuyến đường cửa ngõ Hà Nội có lưu lượng xe tăng cao so với ngày thường, đặc biệt là trên các tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Nội Bài - Lào Cai và các tuyến QL2, QL1, QL5, QL6...
Từ khoảng 16 giờ, dòng xe hướng về Hà Nội rất đông, các phương tiện phải di chuyển chậm. Các cây cầu lớn như Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Thanh Trì, Chương Dương… có nhiều thời điểm bị ùn ứ nhưng không kéo dài. Các trạm thu phí trên cao tốc cũng giảm áp lực do các phương tiện có thể lưu thông nhanh qua các làn thu phí không dừng. Các làn thu phí hỗn hợp có ùn ứ phương tiện nhưng không trầm trọng. Trong khu vực nội thành, các phương tiện di chuyển chậm trên các tuyến đường Giải Phóng - đoạn qua cửa Bến xe Giáp Bát, tuyến đường Phạm Hùng - đoạn qua cửa Bến xe Mỹ Đình. Các tuyến đường Vành đai 3 trên cao, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi cũng có mật độ phương tiện đông.
Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, giao thông ngày cuối kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay không quá tải, do người dân đã bắt đầu quay lại thành phố từ ngày 10-4.
* Cùng ngày, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, trong 3 ngày nghỉ lễ, cả nước xảy ra hơn 80 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 37 người và bị thương 52 người. Trong đó, một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào 15 giờ ngày 10-4 tại tỉnh Khánh Hòa khiến 3 nạn nhân tử vong tại chỗ. Lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương đã kiểm tra, xử lý gần 16.000 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc hơn 7 tỷ đồng.