Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị mặt trận các tỉnh, thành thời gian tới cần tập trung việc tổ chức gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đồng thời, trong năm 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành tập trung tổ chức Đại hội MTTQ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2024-2029, chú trọng công tác hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động để thu được kết quả tốt nhất. Song song đó, bắt tay vào cuộc vận động “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong phạm vi toàn quốc…
Riêng kế hoạch “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong phạm vi toàn quốc, ông Đỗ Văn Chiến cho biết, tới đây trên cơ sở đánh giá tổng kết chương trình vận động xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, MTTQ sẽ chủ trì phát động cuộc vận động “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong phạm vi toàn quốc.
Tại hội nghị, nhiều địa phương cũng đã góp ý kiến tâm huyết cho kế hoạch này. Ông Lê Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận chia sẻ kinh nghiệm của Ninh Thuận khi triển khai đề án “xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và hộ cận nghèo tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2023-2025”. Từ thực tế tỉnh Ninh Thuận còn 21.000 hộ nghèo và hộ cận nghèo, trong đó có 1.600 hộ chưa có nhà ở hoặc nhà tạm bợ, Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành hỗ trợ xây dựng 1.243 căn nhà (có 400 hộ không có đất làm nhà sẽ được tỉnh hỗ trợ về đất ở và kinh phí xây dựng).
Lộ trình thực hiện trong năm 2023 là 243 căn, năm 2024 triển khai 500 căn, năm 2025 triển khai 500 căn. Nguồn kinh phí xây mỗi căn nhà tối thiểu 100 triệu đồng, trong đó, nguồn vận động xã hội hóa và nguồn ngân sách tỉnh 70 triệu đồng, số còn lại huy động từ gia đình, bà con, dòng họ, cộng đồng. Đây là cơ sở để địa phương xây dựng được ngôi nhà đảm bảo diện tích, công năng sử dụng.
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM kiến nghị nên xây dựng một mẫu thiết kế chung cho nhà đại đoàn kết để khi xây dựng nhà thì có căn cứ để làm, không phải tốn thêm kinh phí thiết kế. “Chúng ta có chủ trương từ cấp ủy để xây dựng nhà ở những vùng có đặc thù riêng. Ví dụ những vùng nền đất yếu thì giá trị nhà sẽ phải khác đi, mặt trận sẽ phải huy động thêm nhiều nguồn lực, có thể đó là sự hỗ trợ của gia đình, ngày công lao động của hàng xóm láng giềng... Như vậy, việc thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân sẽ được triển khai một cách rất nhanh chóng và thuận tiện hơn", Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM nêu.
Cùng với sự chủ động của địa phương, ông Lê Văn Bình đề nghị mặt trận Trung ương quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ để các tỉnh khó khăn như Điện Biên, Ninh Thuận, các tỉnh Tây Bắc,… có thêm nguồn lực xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cho rằng, chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trong phạm vi toàn quốc rất cần thiết. Cùng với thành tựu của đất nước, người dân phải được thụ hưởng một cách thực chất, trước hết là ngôi nhà để an cư lạc nghiệp. Do đó không nên để chậm trễ trong quá trình triển khai, mỗi địa phương cần có cách chỉ đạo, tập trung, khẩn trương, làm dứt điểm, có lộ trình để tổ chức triển khai.
Tuy nhiên, hiện nay việc huy động nguồn lực trong các doanh nghiệp là không phải dễ. Do đó, bà Phạm Thị Thanh Thủy kiến nghị lồng ghép, phối hợp để sử dụng nguồn của chương trình mục tiêu quốc gia và xã hội hóa thông qua MTTQ Việt Nam cho kế hoạch này.