Sáng 9-2, TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Đào Tấn Cường (SN 1969, trú quận Hải Châu, Phó Giám đốc Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex chi nhánh Đà Nẵng) về tội "Đe dọa giết người".
Tại phiên toà, Viện KSND TP Đà Nẵng công bố cáo trạng của Viện KSND Tối cao vụ án Đào Tấn Cường "Đe dọa giết người", bị hại là ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch BND TP Đà Nẵng và ông Trần Phước Sơn, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng.
Theo cáo trạng, chiều 10-7-2017, ông Cường đến cửa hàng điện thoại di động của anh Nguyễn Đức Hiền mua điện thoại di động Nokia cũ cùng 1 sim rác 0126.252.6048.
9 giờ ngày 11-7-2017, tại phòng làm việc, ông Cường soạn tin nhắn: “Roi may cung phai tra gia thoi, may lua thay phan ban, may se phai hung lay qua bao roi may cung chet bo chet bui thoi. May con vo con nua do” (Rồi mày cũng phải trả giá thôi, mày lừa thầy phản bạn, mày sẽ phải hứng lấy quả báo rồi mày cũng chết bờ chết bụi thôi. Mày còn vợ con nữa đó”.
Do không gửi được, Cường đưa máy cho anh Hiền để sửa thì anh Hiền thấy sim hết tiền nên nạp 20.000 đồng gửi tin nhắn gửi cho Cường và gọi cho con anh Hiền thử máy.
13 giờ cùng ngày, ông Cường lấy lại máy, mua thêm sim rác 0936.089.536 và soạn thêm tin nhắn: “Do mat day, no mau phai tra bang mau” (Đồ mất dạy, nợ máu phải trả bằng máu) và dùng tin nhắn này gửi đến số máy ông Huỳnh Đức Thơ và ông Trần Phước Sơn. Sau đó, ông Cường đập vỡ điện thoại, bẻ gãy sim và ném toàn bộ xuống sông Hàn đoạn đường Như Nguyệt, gần cầu Thuận Phước.
Các bị hại khai, trước khi bị ông Cường nhắn tin, hàng đêm thường bị sim rác nháy máy, có người theo dõi vợ đi làm, lai vãng, dòm ngó vào nhà riêng, đến nhà mẹ ở quê nên phải nhờ người thân chăm sóc. Một số người là bạn bè, cấp dưới của bị hại bị người lạ uy hiếp.
Do đó, các bị hại đã báo cho Phòng Nội chính thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an TP Đà Nẵng xác minh, tăng cường lực lượng bí mật bảo vệ.
Đồng thời, bị hại phải thay đổi lộ trình, giờ đi làm, cảnh báo người thân đề phòng, đưa đón vợ con.
Cáo trạng nêu, ông Cường khai nguyên nhân dẫn đến nhắn tin cho ông Thơ và ông Sơn là do năm 2006, vợ ông Cường là Lê Thị Ngọc Oanh (48 tuổi) đứng tên Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất 8.500m2 lô 09 Khu biệt thự Suối Đá, bán đảo Sơn Trà, trong đó 300m2 xây biệt thự sử dụng lâu dài, còn lại đất quản lý sử dụng vườn cây. Ông Cường khai vợ đứng tên giúp ông Nguyễn Bá Thanh, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Khi ông Thanh mất, ông Cường trả lại cho gia đình ông Thanh bằng cách lập hợp đồng mua bán với ông Lê Văn Tiến và bà Võ Thị Thanh Vân, em vợ ông Thanh.
Năm 2015, ông Trần Đình Trung (trú tổ 51, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) tố cáo: lô L09 là của ông Đào Tấn Bằng (nguyên Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng - em ông Cường) nhưng nhờ bà Oanh đứng tên và lấn chiếm lô đất ở bên cạnh, là đất của ông Trung.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng đã thanh kiểm tra, kết luận không có sự việc như tố cáo nhưng khi ông Bằng được cân nhắc bổ nhiệm, luân chuyển công tác thì lại có đơn tố cáo,
Mặc dù không có chứng cứ, nhưng ông Cường nghi ngờ ông Sơn tập hợp đơn thư và đề xuất Chủ tịch TP Đà Nẵng ký văn bản thanh tra lô đất, ảnh hưởng uy tín ông Cường và em trai nên Cường bức xúc, nhắn tin đe dọa.
Tại phiên toà, hai bị hại là ông Huỳnh Đức Thơ và Trần Phước Sơn đều ủy quyền cho luật sư tham dự phiên tòa.
Cả ông Thơ và ông Sơn đều xin giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Đào Tấn Cường.
Trong đơn, ông Trần Phước Sơn nêu: "...Tôi khẩn thiết xin quý tòa xét đến khía cạnh nhân thân tốt, tính tình hiền lành, thực hiện hành vi bộc phát và bản thân bị cáo chưa phạm phải lỗi lầm gì nghiêm trọng mà giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo đến mức thấp nhất có thể. Sự khoan hồng của pháp luật thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc ta đối với những người lỗi lầm, sẽ là niềm tin, động lực giúp bị cáo có thể sửa sai, ăn năn hối lỗi, làm ăn sinh sống lương thiện để nuôi gia đình và ổn định cuộc sống".