Người đàn ông mất gần 600 triệu đồng vì chiêu lừa khó tin của "đại tá" công an rởm

Ngày 16-11, Công an TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết đang điều tra vụ người đàn ông bị lừa đảo chiếm đoạt gần 600 triệu đồng.

Trước đó, sáng 14-11, ông Đ. nhận được điện thoại, đầu dây bên kia giọng nam xưng là cán bộ công an phường và yêu cầu ông Đ. lên trụ sở công an làm định danh điện tử. Lúc sau, một người đàn ông khác gọi cho ông Đ. xưng là cán bộ Công an phường Linh Đông và nói ông liên quan đến vụ án ma túy.

Vài phút sau, ông Đ. lại nhận thêm cuộc gọi điện thoại và người này lại xưng là "đại tá" công an và đang công tác ở Bộ Công an. Đại tá công an kết bạn bên tài khoản Zalo và yêu cầu ông Đ. chuyển tiền qua tài khoản chỉ định để kiểm tra dòng tiền.

Qua trò chuyện, ông Đ. nói là có 5 cây vàng thì "đại tá" công an yêu cầu ông bán để chuyển vào tài khoản chỉ định. Lo sợ, ông Đ. mang vàng bán được gần 400 triệu đồng và chuyển tiền vào tài khoản mà "đại tá" công an chỉ định.

Sau đó, ông Đ. về nhà thì "đại tá" công an gọi hỏi tài khoản ngân hàng còn tiền hay không? Ông Đ. nói có gửi tiết kiệm ở ngân hàng. "Đại tá" công an yêu cầu ông Đ. rút 180 triệu đồng chuyển vào tài khoản để xác minh và sẽ gửi trả lại.

Ông Đ. ra ngân hàng rút và chuyển vào tài khoản mà "đại tá" công an yêu cầu. Chiều cùng ngày, ông Đ. chờ không thấy đại tá công an trả tiền và biết bị lừa nên tới công an trình báo.

Trao đổi với PV Báo SGGP, lãnh đạo Công an TPHCM chia sẻ, hiện nay dù lực lượng chức năng luôn cảnh báo và khuyến cáo, nhưng tình trạng đối tượng mạo danh công an, VKS, tòa án... gọi điện hăm dọa người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tiền tiếp diễn với nhiều thủ đoạn tinh vi và số người "sập bẫy" ngày càng gia tăng.

Phần lớn khi nạn nhân nói không liên quan hoặc không phải là tội phạm thì đối tượng lừa đảo yêu cầu cung cấp thông tin để xác minh; hay nói rằng có thể thông tin cá nhân của nạn nhân bị lợi dụng, yêu cầu làm theo hướng dẫn để “phục vụ công tác điều tra, xử lý”…

Từ đó, đối tượng dẫn dụ nạn nhân làm theo yêu cầu. Đối tượng nhắm vào người ít có điều kiện tiếp xúc với báo chí, thông tin trên mạng xã hội như: người cao tuổi về hưu, nội trợ gia đình… Đây cũng là những người nhẹ dạ cả tin và ít có khả năng đề phòng.

Để tránh trở thành nạn nhân, người dân cần thận trọng, bình tĩnh trước các thông tin đe dọa, uy hiếp, phải dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại; cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nêu cao tinh thần cảnh giác.

Khi có cuộc gọi tự xưng là công an, VKS, tòa án phải yêu cầu gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ đến công an địa phương nơi cư trú. Đặc biệt là cơ quan công quyền không làm việc qua điện thoại với người dân.

Người dân cũng tuyệt đối không chuyển tiền cho các đối tượng dưới bất cứ hình thức nào (nếu chuyển phải báo ngân hàng phong tỏa số tài khoản đã chuyển), cần xác thực thông tin trước khi chuyển tiền… Đồng thời, lực lượng chức năng không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi có nghi vấn, phải báo cho người thân và cơ quan công an gần nhất để xử lý.

Tin cùng chuyên mục