Người dân ồ ạt tiêm vaccine phòng cúm mùa, có cần thiết?

Những ngày qua, các trung tâm tiêm chủng công lập và tư nhân tại TPHCM ghi nhận lượng người đến tiêm vaccine phòng cúm mùa tăng cao. Đây là vaccine dịch vụ, có giá dao động 200.000-350.000 đồng/mũi. Bác sĩ khuyến nghị đối tượng cần tiêm vaccine cúm là những người thuộc nhóm nguy cơ cao.

Đổ xô đi tiêm vaccine cúm mùa

Sáng 11-2, khu vực tiêm ngừa thuộc Viện Pasteur TPHCM tiếp đón nhiều người đến đăng ký tiêm vaccine cúm. Chị Trần Thị Hạnh Tiên (ngụ quận 4, TPHCM) cho biết, trước thông tin cúm mùa gia tăng, chị phải xin nghỉ làm buổi sáng để đưa mẹ đi tiêm phòng.

“Mẹ tôi trên 65 tuổi và bị bệnh tim nên dễ biến chứng, trở nặng nếu không may mắc bệnh cúm. Thời gian qua xảy ra nhiều dịch bệnh nên chủ động phòng ngừa vẫn yên tâm hơn”, chị Tiên chia sẻ.

Trong khi đó, anh Phùng Dương Thành (quận Tân Bình, TPHCM) quyết định phòng bệnh chủ động cho tất cả 6 thành viên trong gia đình. Theo anh Thành, anh từng tiêm vaccine cúm nhưng không duy trì lịch tiêm nhắc lại hàng năm. “Đợt này tôi thấy dịch cúm căng thẳng và nhiều biến chứng nặng nên sắp xếp đưa cả nhà đến viện tiêm vaccine”, anh nói.

L1g.jpg
Người dân đến đăng ký tiêm vaccine tại Viện Pasteur TPHCM. Ảnh: Giao Linh

Những ngày qua, lượng người đến đăng ký tiêm ngừa tại Viện Pasteur TPHCM tăng hơn 20% so với ngày thường, tập trung ở các loại vaccine cúm, phế cầu, sởi… Tình hình tương tự diễn ra tại một số trung tâm tiêm chủng tư nhân. Theo đó, từ đầu năm đến nay, số lượt tiêm tại Trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu tăng 5% so với cuối năm 2024, nhu cầu tiêm vaccine cúm và phế cầu tăng gấp đôi. Còn theo Trung tâm tiêm chủng VNVC, lượng người đến tiêm vaccine cúm đã tăng gấp 5 lần. Theo ghi nhận tại các trung tâm, mỗi liều vaccine cúm có giá 200.000-350.000 đồng.

Tại TPHCM, hiện có khoảng 20 trường hợp cúm điều trị nội trú tại các bệnh viện, chưa phát hiện bất thường. Năm 2024, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận khoảng 2.900 ca được chẩn đoán cúm với 11 ca nặng, không có trường hợp tử vong. Ngành y tế đang giám sát chặt tình hình, tăng cường phòng chống dịch cúm, không để xảy ra hoang mang, lo lắng, nhưng cũng không chủ quan, lơ là.

Nhiều biện pháp phòng ngừa cúm mùa

Theo BS Đinh Văn Thới, Trưởng phòng Khám tiêm chủng, Viện Pasteur TPHCM, bệnh cúm xảy ra quanh năm, lây nhiễm cao, lan truyền nhanh và có thể gây dịch. Hầu hết người bệnh hết sốt và phục hồi trong vòng một tuần mà không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, cúm mùa có thể gây ra viêm phổi nặng hoặc tử vong trên các nhóm đối tượng nguy cơ cao, bao gồm: trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh nền, bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...

L1f.jpg
Người dân tiêm vaccine cúm tại một trung tâm tiêm chủng tư nhân

“Vaccine cúm được sử dụng từ rất lâu và an toàn. Hiện tại lượng vaccine cúm dồi dào nên người dân không cần lo lắng. Tuy nhiên, vaccine cúm không phải biện pháp phòng bệnh duy nhất, người dân còn cần giữ vệ sinh, rửa tay thường xuyên, giữ ấm cơ thể, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, tăng sức đề kháng, đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Tất cả các biện pháp này thực hiện đồng loạt mới phòng ngừa tốt bệnh cúm”, BS Đinh Văn Thới nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM, cho biết, việc tiêm vaccine cúm là quyền của mỗi người trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, song cần xác định rõ người cần tiêm vaccine cúm nhất là đối tượng nguy cơ cao, sau đó mới đến người có sức khỏe bình thường.

“Về nguyên tắc, đối tượng nguy cơ cao dễ chuyển nặng và gặp nguy hiểm khi mắc cúm thì cần tiêm vaccine. Hiện nay, thời tiết lạnh kéo dài là điều kiện thuận lợi khiến virus cúm lan tràn nhưng tình hình bệnh không bất thường. Việc người dân đang lo lắng quá mức có thể do yếu tố truyền thông khi có người nổi tiếng ở nước ngoài tử vong sau khi mắc cúm”, BS Trương Hữu Khanh nhìn nhận. Ngoài ra, ông cũng lưu ý, việc tự ý mua, sử dụng thuốc Tamiflu để trị cúm có thể gây kháng thuốc và gặp tác dụng phụ nguy hiểm.

Ông Võ Thu Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, thông tin, từ ngày 1 đến ngày 10-2, 24 đơn vị trên địa bàn đã triển khai tiêm hơn 10.000 mũi vaccine cúm. Trong đó, các điểm tiêm chủng của VNVC tại quận Hải Châu, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Sơn Trà đều đông người đến tiêm với khoảng hơn 1.000 mũi/điểm. Tình hình bệnh cúm tại Đà Nẵng ở mức bình thường so với cùng kỳ các năm trước. Trong tháng 1-2025, Đà Nẵng ghi nhận 122 ca cúm mùa điều trị nội trú.

XUÂN QUỲNH

Tin cùng chuyên mục