Cuộc sống người dân bị đảo lộn
Đã hơn 2 tháng nay, kể từ khi bến phà Bình Quới dừng hoạt động, ông Trần Văn Hoàng (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải bến đò Bình Quới, viết tắt Công ty bến đò Bình Quới) như “ngồi trên lửa”. Ông đi “gõ cửa” các cơ quan chức năng để xin gia hạn giấy phép, động viên nhân viên kiên trì bám trụ chờ phà hoạt động trở lại. Phà phải nằm bến, hàng ngày ông vẫn xuống để kiểm tra, bảo dưỡng mà lòng nóng như lửa cháy khi thấy người dân ra bến rồi đành quay lại vì bến phà vẫn đóng cửa.
Ông Trần Văn Hoàng cho biết, ngày 13-8-2024, cán bộ Đội Cảnh sát đường thủy - Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TPHCM) đã đến làm việc, yêu cầu chủ bến dán thông báo tạm ngưng hoạt động và neo đậu phương tiện an toàn. Từ đó đến nay, không chỉ nhân viên công ty mà hàng ngàn người dân ở TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh đều mong bến phà hoạt động trở lại, còn 2 chiếc phà cũng đã nằm bến dài ngày.
Tại 2 đầu bến phà, chúng tôi chứng kiến nhiều người đến nơi, thấy bến còn đóng cửa đã vội vàng quay xe cho kịp giờ đi làm, đi học. Chị Trương Thị Ngọc, nhà ở phường Linh Đông (TP Thủ Đức, TPHCM), tần ngần đứng trước rào chắn kẽm gai, nhìn sang bến Bình Quới, buồn rầu nói: “Ngày trước, người nhà chở ra bến phà, tôi chỉ mất 5 phút là sang sông, rồi lên xe buýt vào trung tâm thành phố làm việc. Từ ngày phà Bình Quới dừng hoạt động, để vào trung tâm thành phố, tôi phải đi vòng lên cầu Bình Triệu, kéo dài hơn 7km, lại thường xuyên tắc đường, kẹt xe”.
Còn anh Nguyễn Văn Phúc, nhà gần bến phà, chia sẻ: “Bến phà đóng cửa đã làm cuộc sống, sinh hoạt gia đình tôi bị đảo lộn. Điều gian nan của gia đình là dù kinh tế đang eo hẹp nhưng vẫn phải chi hơn 30 triệu đồng để mua chiếc xe máy đi làm”. Nhiều sinh viên đang học tại các trường đại học ở quận Bình Thạnh đã chọn thuê nhà ở phường Linh Đông, Tam Phú (TP Thủ Đức) do có giá thuê rẻ thì nay phải trả phòng, tìm phòng trọ khác.
Theo số liệu từ Công ty bến đò Bình Quới, mỗi ngày có khoảng 800-1.000 lượt xe máy và 1.000-1500 lượt người qua phà. Những hành khách đi phà là người lao động, tiểu thương, sinh viên thường chuyển tiếp sử dụng xe buýt để đi tiếp hành trình. Vì thế, bến phà dừng hoạt động không những cản trở trong việc đi lại mà còn làm đảo lộn cuộc sống, gây nhiều khó khăn cho hàng ngàn gia đình.
Không thể để doanh nghiệp “tự bơi”
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Hoàng cho hay, ngày 30-6-2024 giấy phép hoạt động bến phà hết hạn. Công ty bến đò Bình Quới đã cố gắng làm thủ tục để gia hạn giấy phép nhưng chưa được chấp thuận vì không đủ điều kiện theo quy định mới.
Cụ thể là tại bến phà phường 28 (quận Bình Thạnh), mặt bằng đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM để làm bờ kè trong dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa, nên không còn đất để làm bến. Với bến phà ở phường Linh Đông thì không có nhà chờ, chưa có giấy chủ quyền đất. Nhiều tháng nay, cán bộ công ty đã tìm cách tháo gỡ nhưng chưa có kết quả.
Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã gia hạn cho bến phà Bình Quới hoạt động đến tháng 6-2024. Theo Nghị định 06/2024 về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, thẩm quyền công bố, công bố lại, gia hạn hoạt động đường thủy nội địa do quận, huyện quyết định.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, quận Bình Thạnh chưa thể ban hành quyết định gia hạn để bến phà Bình Quới hoạt động là do hồ sơ xin phép gia hạn hoạt động đường thủy nội địa của Công ty bến đò Bình Quới chưa đủ điều kiện cần thiết. Quận đã có văn bản đề nghị Sở Giao thông Vận tải TPHCM và Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM hướng dẫn, nhằm sớm đưa bến phà hoạt động trở lại.
Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cũng đã có văn bản trao đổi, hướng dẫn thủ tục thuê đất làm bến tàu để đưa đón khách qua lại 2 bên sông thuộc khu vực Bình Quới - Thủ Đức. Theo đó, hiện nay đường xuống bến tàu hiện hữu là đường sử dụng chung của người dân. Do vậy, Công ty bến đò Bình Quới không thể thuê đất xác lập chủ quyền riêng cho lối đi này. Trường hợp cần thuê đất của nhà nước trực tiếp quản lý thì phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Công tác đảm bảo đi lại, lưu thông của hàng ngàn con người, phương tiện thuộc về các cấp chính quyền chứ không phải việc riêng của Công ty bến đò Bình Quới. Với những quy định pháp luật hiện nay, việc Công ty bến đò Bình Quới được cấp giấy chứng quyền sử dụng đất tại 2 bến phà để đủ điều kiện gia hạn hoạt động bến phà theo quy định là rất khó khăn. Vì thế, trong khi chưa thể xây dựng cầu để thay thế cho bến phà, UBND TPHCM cần vào cuộc để sớm khôi phục bến phà Bình Quới, nhằm giải quyết việc đi lại thường ngày của người dân.