Ngày 26-8, nhiều người dân phản ánh không thể đặt mua hàng trực tuyến do hầu hết trang web, zalo… của hệ thống các siêu thị bị đóng, từ chối nhận đơn đặt hàng. Khoảng 10 giờ sáng, hệ thống trang web bán hàng của Saigon Co.op đã hiển thị dòng chữ màu đỏ thông báo không còn nhận đơn hàng và được yêu cầu khách hàng vui lòng trở lại vào sáng hôm sau. Trong khi đó, đến thời điểm này, 100% các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, kể cả Saigon Co.op đã đóng cửa ngưng bán hàng trực tiếp.
Để tìm hiểu phương thức đưa nguồn cung hàng hóa từ siêu thị đến cho người dân trong thời gian tăng cường giãn cách, phóng viên Báo SGGP đã “đột nhập” vào cửa sau của Co.op mart Quang Trung (quận Gò Vấp) thuộc hệ thống Saigon Co.op. Bên ngoài cửa phụ của siêu thị khá chật hẹp, có khoảng 5-7 nhân viên đang chất từng giỏ hàng (combo) lên xe máy chở đi. Phía bên trong có khoảng 50-70 nhân viên đang làm việc khá khẩn trương. Người nhận điện thoại từ khách hàng, người xếp hàng lên kệ, số khác cầm đơn hàng của khách đẩy xe tới kệ chọn hàng để đóng thành combo…
Lượng hàng hóa tại các kệ không chất cao như ngày thường nhưng vẫn đầy đủ các loại tươi mới. “Sáng tới giờ chúng tôi đã giao được mấy trăm đơn cho khách hàng, nên trên kệ vơi bớt, chút nữa sẽ được bổ sung”, một nhân viên tại đây giải thích. Giám đốc Co.op Mart Quang Trung Hồ Thị Xuân Thúy cho biết, 2 ngày nay lượng khác hàng tăng đột biến, mỗi phút hệ thống siêu thị nhận hàng trăm đơn đặt hàng. “Do số lượng khách hàng đặt quá lớn, trong khi siêu thị không có đủ nhân lực để xử lý nên chúng tôi phải ngưng hệ thống”, bà Thúy giải thích. Theo bà Thúy, nhân viên đang làm việc gần 100% quân số, từ tiếp nhận đơn hàng đến “đi chợ thay”.
Tuy nhiên, hiện nay việc đi giao hàng của nhân viên gặp rất nhiều khó khăn do không được ra đường khác tuyến (áp dụng 1 cung đường-2 địa điểm-PV), chỉ một số phường linh động thì nhân viên mới được đi. Trong khi đó, hiện cả quận Gò Vấp mới chỉ có phường 15 triển khai “đi chợ thay”, bằng cách gởi đơn hàng của người dân cho siêu thị, sau khi siêu thị chuẩn bị xong thì người của phường đến nhận về giao cho từng hộ dân. Bà Thúy khẳng định, nguồn cung hàng thiết yếu tại siêu thị vẫn đảm bảo cho người dân, chỉ thiếu cục bộ một số chủng loại như mì tôm loại “thượng hạng” hay banh bao...
Tương tự, đại diện Bách hóa Xanh cho biết, trong 3 ngày qua đã có hàng chục ngàn đơn đặt hàng trực tuyến, gấp hơn 10 lần so với trước đây, do tăng đột biến nên các cửa hàng buộc phải ngưng nhận thêm do không thể giao hàng đúng hẹn cho khách hàng. “Hiện nay chúng tôi đã cải thiện bằng cách phân nhóm món, đặc biệt hàng tươi sống và thể hiện rõ trên hệ thống. Khi khách hàng lựa chọn hết số mặt hàng hiển thị, hệ thống máy tính sẽ tự động đóng lại, không nhận thêm đơn hàng”, đại diện Bách hóa Xanh cho biết.
Cả Bách hóa Xanh và Saigon Co.op đều khẳng định, khách hàng có thể đặt mua hàng vào ngày hôm sau nếu trong ngày không thể vào được hệ thống. Bởi hệ thống đã đóng hôm sau mới hoạt động lại. Tuy nhiên, để siêu thị tăng số lượng nhận đơn hàng trong ngày của người dân cần giải quyết được bài toán giao hàng. Theo phản ánh của đại diện các siêu thị, hiện nay địa phương nào giải quyết được khâu “đi chợ thay”- UBND phường cử người đến siêu thị nhận hàng, thì người dân nơi đó sớm nhận được đơn hàng. “Chúng tôi dự báo số lượng người dân mua hàng trực tuyến tiếp tục tăng cao gấp nhiều lần hiện nay. Trong khi đó, nhân viên siêu thị lại hạn chế số lượng, cũng không thể đi giao hết cho khách hàng nếu được phép lưu thông trên đường. Do đó, chính quyền các cấp, đặc biệt là ở địa phương cần có phương án kịp thời để hàng hóa từ siêu thị đến với người dân được kịp thời”, bà Hồ Thị Xuân Thúy kiến nghị.