Có mặt tại bến thuyền làng Nú, phóng viên chứng kiến 6 chiếc thuyền máy lớn thay nhau chở người dân vượt sông. Tiếng máy nổ kêu inh ỏi một vùng. Trong 1 giờ có mặt, chúng tôi đếm thấy hơn 70 người đi thuyền qua sông. Dòng sông rộng, nhưng ít hành khách mặc áo phao, nếu xảy ra sự cố sẽ gây hậu quả khó lường.
Xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai chia cắt với xã biên giới Ia Tơi, huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum bởi dòng sông Sê San. Để qua lại, người dân 2 xã phải đi thuyền máy với giá vé qua sông là 20.000 đồng/người. Bến thuyền xã Ia Tơi nằm ở Nông trường 4 và Nông trường 5 (thôn 9, xã Ia Tơi); còn bến thuyền xã Ia Khai nằm ở làng Nú. Giữa 2 bến cách nhau khoảng 1.000m đường sông. Vừa rời khỏi thuyền để đặt chân đến bến thuyền làng Nú, anh Lê Văn Thành (xã Ia Tơi) cho biết, gia đình anh sinh sống ở xã Ia Tơi, nhưng thường xuyên qua xã Ia Khai mua bán. Việc đi lại trên sông gặp nhiều khó khăn, mất an toàn. Mỗi lần qua sông, gia đình anh phải tốn 20.000 đồng/người. “Để đảm bảo an toàn tính mạng, tôi mong cấp thẩm quyền đầu tư cầu bắc qua sông”, anh Thành bày tỏ.
Bà Nguyễn Mai Lương, Chủ tịch UBND xã Ia Khai, cho biết, hiện có khoảng 400 hộ dân của xã phải đi thuyền vượt sông qua xã Ia Tơi sản xuất (với diện tích sản xuất khoảng 1.000ha). Ở chiều ngược lại, các điểm dân cư bên kia sông như Nông trường 4, Nông trường 5, Điểm dân cư 64 (xã Ia Tơi) có đông người ở. Những điểm dân cư này nằm cách trung tâm xã Ia Tơi khoảng 60km, nên họ thường vượt sông qua xã Ia Khai để đến xã Ia Tơi làm các thủ tục hành chính, chăm sóc sức khỏe vì quãng đường chỉ bằng 1/4. Đi lại bằng thuyền trên sông tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Thực tế, đã có nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra, như bà con vận chuyển lúa từ rẫy về bị lật trên sông, dẫn đến tử vong. “Từ nhiều năm nay, người dân mong muốn xây dựng cầu bắc qua sông để đảm bảo an toàn, nhất là mùa mưa lũ. Việc xây dựng cầu cũng sẽ giúp 2 xã khai thác tiềm năng du lịch. Huyện Ia Grai đã tổ chức cuộc họp với các địa phương để đánh giá nhu cầu xây dựng, từ đó có hướng đề xuất đầu tư”, bà Nguyễn Mai Lương thông tin.
Còn tại huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum, người dân thôn Măng Rương, xã Văn Lem (huyện Đăk Tô) cũng mong mỏi có cây cầu qua suối Đăk Tăng (thôn Măng Rương). Lý do là người dân có hơn 100ha đất sản xuất bên kia suối. Lòng suối rộng 10m. Mùa nắng nước cạn, người dân chạy xe qua suối để đi làm rẫy. Còn mùa mưa nước dâng, người dân không thể vượt sông mà đi vòng cầu treo ở thôn Đắk Xanh với chiều dài khoảng 10km, tốn thời gian, chi phí đi lại. Cầu treo thôn Đăk Xanh ngoài cách xa thôn Măng Rương, thì bề rộng chỉ đạt 1,2m, không đủ để xe công nông chở nông sản thu hoạch từ đồng về làng.
Lãnh đạo UBND xã Văn Lem cho biết, thời gian tới, người dân thôn Măng Rương sẽ chuyển đổi một số cây trồng (như cao su) để nâng cao đời sống kinh tế, thu nhập. Nếu có cây cầu qua suối Đăk Tăng sẽ giúp bà con thuận lợi sản xuất, phát triển kinh tế. Theo UBND huyện Đăk Tô, người dân thôn Măng Rương kiến nghị đầu tư cầu để đi lại là phù hợp. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư khoảng 18 tỷ đồng là rất lớn. Hiện nay, ngân sách cấp huyện còn hạn chế nên việc đầu tư rất khó.