Ngày 7-12, HĐND TPHCM khóa X chính thức khai mạc kỳ họp thứ 8.
ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh (quận 12) bày tỏ đồng tình và đề xuất Thường trực HĐND TPHCM tổ chức rà soát tất cả các nghị quyết HĐND đã ban hành. Đối với nghị quyết chậm triển khai thì phải có giải pháp để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
Liên quan đến tình trạng thiếu phòng học, ĐB Nguyễn Thị Kim Dung (huyện Bình Chánh) đề xuất UBND TPHCM quan tâm để cấp kinh phí nguồn vốn trong vốn đầu tư công trung hạn nhằm xây dựng trường học tại xã Vĩnh Lộc A, xã Vĩnh Lộc B. “Nếu không xây dựng kịp trên 2 xã này thì sắp tới, học sinh sẽ phải học ca 3”, ĐB Nguyễn Thị Kim Dung lo lắng.
ĐB Trần Văn Nam thông tin thêm, năm nay, các trường của 2 xã trên phải sử dụng cả phòng thí nghiệm, ghế bên ngoài để học. Mới đây, HĐND TPHCM đã có cuộc khảo sát và các trường than rất nhiều. Nếu không xây dựng thêm trường thì học sinh không có chỗ để học, kể cả hàng lang.
Trước thực trạng trên, ĐB Nguyễn Tấn Phát cho rằng thành phố cần có chiến lược phát triển giáo dục rõ ràng. Hiện thành phố đã có chính sách miễn, giảm học phí nhưng cần chiến lược dài hơi hơn. Thời gian gần đây, trong các buổi họp phụ huynh, giáo viên nhận xét về từng học sinh rất hạn chế nhưng lại dành nhiều thời gian nói về các khoản thu. Như vậy, mục đích giáo dục bị giảm đi, hình ảnh người thầy, người cô đối với học sinh và phụ huynh cũng khác hơn.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Đạt đề cập đến tỷ lệ giải ngân rất thấp, nên cần đánh giá sâu sắc nguyên nhân. Trong lúc nguồn vốn gặp khó khăn, người dân mong chờ từng ngày các dự án đầu tư công, nhưng tiến độ giải ngân lại rất chậm.
Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 quá thấp, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai nêu ra một số nguyên nhân. Theo bà, kỳ đầu tư công trung hạn này có 3.300 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước. Khó khăn của các dự án đã ảnh hưởng đến cả giai đoạn này.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu nêu nhiều ý kiến về việc chậm giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Trao đổi về việc này Phó Giám đốc Sở TN-MT Trần Văn Bảy cho biết vướng mắc hiện nay là ở pháp lý đất đai và nghĩa vụ tài chính. Từ năm 2019 Sở đã có công văn đề nghị địa phương phối hợp hướng dẫn, giải quyết cho người dân. Sở TN-MT cũng đã chủ động xin ý kiến của trung ương theo hướng như ĐB đề xuất, đó là người dân đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính rồi thì nên bóc tách ra xử lý trước. Nhưng cơ quan trung ương viện dẫn quy định pháp luật và nhấn mạnh khi nào hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì mới cấp giấy. “Sở sẽ cùng địa phương và các sở liên quan phối hợp để xử lý việc này”, ông Trần Văn Bảy khẳng định. Phó Giám đốc Sở TN-MT Trần Văn Bảy trao đổi tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG |