Người dân miền Trung phấn khởi được mùa cam và “lộc biển”
SGGPO
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhiều người dân ở các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An... phấn khởi hơn vì được mùa “lộc biển” các loại. Trong khi đó, người dân trồng cam, nuôi hươu lấy lộc nhung cũng được mùa và đang vào cao điểm vụ thu hoạch xuất bán ra thị trường.
Cảnh mua bán hải sản tấp nập tại cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày giáp Tết Nguyên đán
Vào những ngày giáp tết, khu vực cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) - cảng cá lớn nhất ở tỉnh Hà Tĩnh không khí mua bán tấp nập. Mặc dù sáng sớm sương mù khá dày, thời tiết lạnh, nhưng hàng chục tàu thuyền các loại của bà con ngư dân các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An… trên khoang chở đầy các loại hải sản tươi đang vào cập bến. Trên cảng cá có rất đông người dân đang chen chúc nhau để chờ thu mua hàng.
Ngư dân đánh bắt được nhiều hải sản biển dịp áp tết
Những ngày giáp tết, ngư dân Bắc miền Trung đánh bắt được nhiều ruốc biển
Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Hà Tĩnh cho biết, khoảng 1 tuần nay hàng ngày bình quân có hơn 60 tàu các loại của ngư dân Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An… đã liên tục trúng nhiều loại hải sản ra vào cập cảng cá Cửa Sót, chở theo sản lượng từ 30 tấn đến 50 tấn, trong đó nhiều nhất là cá cơm và ruốc tươi. Với giá bán dao động từ 16.000-18.000 đồng/kg cá cơm và 21.000-22.000 đồng/kg ruốc tươi.
Bên cạnh đó, nhiều tàu cũng đánh bắt được nhiều tôm, cá, ghẹ, mực, ốc các loại và bán được giá khá cao. Việc trúng hải sản dịp giáp tết, không chỉ đã mang lại thu nhập cho ngư dân trực tiếp bám biển mà còn tạo công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều người dân địa phương ở trên bờ. Đây là tín hiệu phấn khởi, ngư dân có một cái tết cổ truyền ấm cúng, sung túc hơn.
Ngư dân đánh bắt được nhiều ruốc biển
Ruốc biển được đánh bắt nhiều dịp giáp tết
Cá sau khi đánh bắt từ biển được nướng lên bán rất chạy trong dịp áp tết ở Hà Tĩnh
Trong khi đó, tại các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Can Lộc, Vũ Quang… những địa phương có diện tích trồng cây cam lớn nhất ở tỉnh Hà Tĩnh, thời điểm giáp tết cổ truyền, người dân nơi đây cũng đang rất phấn khởi, cấp tập vào cao điểm thu hoạch cam để xuất bán phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.
Năm nay, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, không có bão lũ, quy trình áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc và chất lượng giống đảm bảo, nên cam phát triển tốt, số lượng quả rất nhiều, hình thức đều đẹp, chất lượng và giá thành cao, hứa hẹn cho một vụ mùa bội thu lớn.
Ông Nguyễn Văn Trạch (44 tuổi, một trong những chủ trang trại trồng cam lớn nhất ở thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc), cho biết, trang trại có 1.000 cây cam chanh và cam giòn. Ước tính trong vụ tết này sẽ cho thu hoạch khoảng 30 tấn cam, mang về thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. Vào dịp giáp tết, giá cam sẽ cao gấp nhiều lần so với thời điểm ngày bình thường.
Người trồng cam ở Hà Tĩnh được mùa
Ông Lê Quang Vinh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hương Khê cho biết, toàn huyện có khoảng 2.000ha cam bù và cam chanh, trong dịp Tết Kỷ Hợi dự kiến sản lượng xuất ra thị trường khoảng 8.000 tấn, ước tính thu về giá trị kinh tế hàng tỷ đồng.
Năm nay cam được mùa, nguyên nhân là do người trồng cam đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỷ thuật vào chăm sóc và chất lượng giống đảm bảo, điều kiện thời tiết thuận lợi, không có bão lũ... Việc cam được mùa, được giá cao càng làm cho người dân rất phấn khởi và đón cái tết cổ truyền thêm sung túc, ấm cúng hơn.
Tại huyện Hương Sơn, năm nay người dân trồng cam cũng dự kiến sẽ thu hoạch về ước đạt sản lượng hơn 7.000 tấn cam các loại.
Theo ông Phan Văn Cường, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Can Lộc, toàn huyện Can Lộc hiện có gần 800ha cam các loại, trong mùa tết năm nay dự kiến xuất bán ra thị trường khoảng 4.200 tấn, đến thời điểm này đã xuất bán được hơn 85%, với giá trị kinh tế thu về hàng tỷ đồng.
Những vườn cam trĩu quả dịp tết
Người trồng cam phục vụ thị trường dịp tết ở Hà Tĩnh năm nay được mùa
Cứ vào mỗi dịp tết đến xuân về, tại tỉnh Hà Tĩnh có một sản phẩm đặc trưng nổi tiếng khắp cả nước không thể không nhắc đến đó là lộc nhung hươu ở huyện miền núi Hương Sơn.
Tết đến người dân mua lộc nhung hươu để sử dụng hoặc bán lại, ngoài ra đây còn là dịp mua lộc nhung để làm quà gửi tặng người thân ở Hà Nội, Vũng Tàu, TPHCM, Đà Nẵng, Nghệ An…
Cũng như nhiều năm trước, năm nay hàng ngàn hộ dân nuôi hươu ở huyện Hương Sơn tiếp tục được mùa cả về sản lượng, chất lượng lộc nhung hươu và giá thành.
Nuôi hươu lấy lộc nhung mang lại thu nhập kinh tế cao cho người dân ở Hà Tĩnh
Một cặp lộc nhung hươu được bán cho khách hàng
Theo ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, đến nay tổng đàn hươu của toàn huyện đã đạt trên 35.000 con, trong đó có khoảng 70% con hươu cho lộc nhung. Dự kiến, tổng sản lượng lộc nhung hươu thu hoạch trước, trong, sau Tết Kỷ Hợi và cả mùa năm 2019 sẽ đạt trên 10 tấn, ước tính thu về giá trị kinh tế khoảng 120 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn bán được con hươu giống.
Nghề nuôi hươu lấy lộc nhung liên tiếp được mùa thực sự đã góp phần vào giúp nâng cao đời sống và vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho người dân địa phương.