Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An, tính đến 11 giờ trưa ngày 18-7, toàn tỉnh có 1 nhà bị sập, 4 nhà bị sạt lở; gần 9.000ha lúa, gần 3.400ha ngô và rau màu các loại bị ngập,…
Nghệ An có 3.868 phương tiện với 18.189 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển. Đến thời điểm hiện nay, đã có 3.799 phương tiện neo đậu tại bến, cửa lạch an toàn với 17.432 lao động, số còn lại đang vào neo đậu tại các âu tàu, thuyền của địa phương khác.
Ngoài ra, hiện có 31 phương tiện với 267 lao động ngoại tỉnh đang neo đậu an toàn tại các cảng cá, cửa lạch của tỉnh Nghệ An.
Trong khi đó, ghi nhận tại TP Sầm Sơn (Thanh Hóa), chưa xuất hiện gió to nhưng mưa rất lớn. Người dân nơi đây đang hối hả hoàn tất các công việc để "đón" bão. Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 10 năm trước, năm nay, ngư dân đã đưa hẳn tàu thuyền lên bờ neo “đậu” ngay trên đường Hồ Xuân Hương, tránh thiệt hại nặng.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu thực hiện việc cấm ra biển, quản lý chặt chẽ đối với các tàu du lịch, tàu vận tải; neo đậu tàu thuyền, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản; kiên quyết không để người dân ở lại trên các tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ.
Theo thống kê mới nhất, mưa lớn suốt nhiều ngày qua đã làm gần 6.100ha lúa bị ngập, tập trung ở các huyện: Tĩnh Gia, Đông Sơn, Triệu Sơn, Hoằng Hóa; gần 900ha hoa màu, 102ha nuôi trồng thủy sản tại huyện Tĩnh Gia và TP Sầm Sơn bị ngập.
Trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa có 16 điểm dân cư bị ngập với 465 hộ dân bị ảnh hưởng, 1 ngôi nhà bị đổ sập. Nhiều tuyến đường giao thông lớn của tỉnh, như Quốc lộ 15C, Quốc lộ 217, đường tỉnh 114 (từ Cầu Thiều đi Thượng Ninh), tỉnh lộ 512D (từ thị trấn Mường Lát đi xã Mường Lý) bị sạt taluy ở nhiều điểm,…
Tại tỉnh Hà Tĩnh, chiều 18-7, theo báo cáo từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Hà Tĩnh, hiện không có tàu nào đang hoạt động trên biển, tất cả tàu thuyền của Hà Tĩnh (5.871 tàu/15.951 lao động) đều đã nắm bắt được thông tin về cơn bão số 3 và không ở trong khu vực nguy hiểm.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đoàn kiểm tra công tác PCTT-TKCN tại các địa phương khẩn trương xuống cơ sở để đôn đốc chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với diễn biến bão số 3 và tình hình mưa lũ.
Đến 10 giờ ngày 18-7, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn xảy ra ngập nước cục bộ 6.935ha diện tích lúa hè thu tại huyện Vũ Quang, Đức Thọ, Hương Sơn, Lộc Hà, Can Lộc, Thạch Hà, Nghi Xuân, Hồng Lĩnh, TP Hà Tĩnh và 2.078ha đậu, 587ha ngô, rau màu các loại 551ha bị ngập.
Cũng theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Hà Tĩnh, tại Nhà máy thủy điện Hố Hô từ lúc 8 giờ ngày 17-7 đến 1 giờ ngày 18-7 đã tiến hành xả lũ điều tiết với lưu lượng 203m³/s. Dự kiến lúc 13 giờ ngày 18-7, sẽ tiếp tục xả lũ từ 100-300m³/s; tại Nhà máy thủy điện Hương Sơn từ 15 giờ ngày 17-7 đã xả lũ với lưu lượng từ 10-20m³/s và hiện nay vẫn đang tiếp tục xả lũ.
Đề nghị các cấp ngành, người dân nghiêm túc thực hiện các công điện của UBND tỉnh. Theo đó, trước hết người dân phải chủ động phòng tránh, dứt khoát phải đưa thuyền bè vào nơi trú ẩn, di dời đến nơi an toàn; kiểm tra, kiểm soát các hồ đập, hệ thống cống, đảm bảo an toàn vùng hạ du, tập trung cao cho việc sơ tán dân ở vùng nguy cơ sạt lở và vùng biển có nguy cơ triều cường.
Theo Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cho biết, đơn vị cũng đã huy động hơn 2.000 đoàn viên, thanh niên xuống các khu dân cư giúp người dân chằng chống lại nhà cửa, dời dọn đồ đạc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, các công trình; sẵn sàng sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Ban thường vụ Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc bố trí cán bộ ứng trực 24/24 giờ, đảm bảo thông tin liên lạc thường xuyên.
Tại địa bàn huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh vào chiều tối ngày 17-7, đã có 2 người dân dân là ông Nguyễn Th. (51 tuổi, trú tại thôn Bình Hòa, xã Sơn Hòa) và ông Phan Đình T. (52 tuổi, trú tại xóm Minh Thủy, xã Sơn Thủy, huyện Hương Sơn) không may bị chết đuối khi đi thả lưới trong mưa lũ.