Trong khi, báo cáo của HueWaco gửi UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, ngày 26-7, ghi nhận phản ánh của một số hộ dân xã Lộc Thủy, Lộc Tiến của huyện Phú Lộc về việc một số khu vực cấp nước của 2 xã này xảy ra tình trạng nước đục, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
HueWaco cho rằng, nguyên nhân nhà máy nước Chân Mây hiện có 5 bể lọc, trong đó có 1 bể lọc đã xuống cấp, mục rửa phần bê tông bên trong mép tường của đáy bể lọc, gây mất liên kết với phần đan lọc inox.
Phần bông cặn chưa được lọc đi xuyên qua chỗ hỏng này vào bể chứa. Do phần hư hỏng này nằm ở đáy bể lọc với độ sâu 2m nên đơn vị không phát hiện kịp thời nên đã xảy ra sự cố đáng tiếc này. Hiện HueWaco đã cho ngừng hoạt động bể lọc để khắc phục tạm thời sự cố.
Cũng theo báo cáo của HueWaco, để đảm bảo cấp nước an toàn, bền vững cho khu vực Chân Mây - Lăng Cô, đơn vị đang điều chỉnh bổ sung quy hoạch, triển khai phương án lấy nước từ hồ Thủy Yên xây dựng nhà máy công suất 12.500m3/ngày đêm.
Trước mắt, khai thác nguồn nước từ suối Mơ (thị trấn Lăng Cô) để xây dựng nhà máy 2.000m3/ngày đêm.
Liên quan đến sự cố này, người dân tại Lộc Thủy, Lộc Tiến cho biết, sau khi phát hiện nước do nhà máy Chân Mây cung cấp nước bẩn, đục hoặc đổi màu, người dân đã cấp báo cho doanh nghiệp cấp nước là HueWaco và đơn vị này đã cử người về kiểm tra khắc phục hậu quả bằng việc thông ống, rửa ống…
Tuy nhiên, đến đêm 28-7, tình trạng nước nhiễm bẩn chưa được khắc phục triệt để, nhiều gia đình gặp khó khăn, bất tiện trong nguồn nước sinh hoạt, nhất là người dân nhiều thôn đang phong tỏa do phòng chống dịch Covid-19 tại xã Lộc Thủy, một trong bốn địa phương bị ảnh hưởng.
Anh Trương Đăng, người dân ở thôn Phước Lộc, xã Lộc Tiến cho biết, người dân tại xã Lộc Thủy và Lộc Tiến đã dùng khăn sạch hứng nước tại đầu vòi trong gia đình. Sau khi nước chảy qua khăn chừng 2 - 3 phút, chiếc khăn có lớp cặn, bẩn bám trên bề mặt, màu không khác gì nhớt (luyn) xe đã qua sử dụng.
Trong khi đó, người dân tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc cũng lâm vào tình cảnh không khá hơn khi phải dùng nước “sạch” nhưng lại có màu vàng hoặc đen như màu nhớt.
“Tôi hứng chậu nước, để khoảng 1 giờ sau thì nó lắng xuống bên dưới một lớp cặn như bùn. Nước nước phục vụ ăn uống và sinh hoạt thế này, hỏi làm sao không bệnh tật. HueWaco phải có lời giải thích và có trách nhiệm với sức khỏe khách hàng”, anh Đăng phản ánh.
Cũng trong thời điểm này, người dân tổ dân phố An Cư Đông, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc cho biết, ngay sau khi bà con phản ứng về tình trạng nước sạch do nhà máy Chân Mây cung cấp thì có màu vàng, đến gần tối 26-7, nước cung cấp chảy yếu đi, có nơi bị cắt nước đột ngột trong đêm.
Tiếp tục ghi nhận, đến đêm 30-7, người dân vẫn tiếp tục phản ánh nước bẩn, nước đục tại xã Lộc Tiến, xã Lộc Thủy. Điều đáng nói là đến hôm nay 31-7, chất lượng nước sinh hoạt tại Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô có an toàn không thì vẫn chưa có cơ quan hữu trách nào trả lời cho dân, trừ các chỉ số phía HueWaco tự kiểm nghiệm và công bố.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Võ Công Hạnh, Giám đốc Công ty Luật Công Khánh (TP Huế), thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng trước sự việc người dân 3 xã và 1 thị trấn ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô phải dùng nguồn nước sinh hoạt do Nhà máy nước Chân Mây thuộc HueWaco cung cấp theo hợp đồng cung cấp nước sạch, trong những ngày gần đây, người dân phải dùng nước bẩn, nước chuyển màu như nhớt thì người dân có thể khởi kiện HueWaco ra tòa án để giải quyết theo quy định của pháp luật.