Anh từng xuôi ngược bao công trường, trên vai anh có mồ hôi người thợ và trong tim anh có trắc ẩn thi sĩ. Vì vậy, anh dễ dàng nhận ra nỗi buồn vướng vất giữa không gian yên ắng: Trong khu rừng già cỗi cơn đau/Những tán lá cao su ngủ quên trên mái nhà tạm bợ/Nơi vách tường bằng đất/Rét cong từng ngọn lửa tàn.
Đã rất lâu rồi, hình ảnh những người công nhân mới lại xuất hiện trong thi ca. Thơ về những con người lấm láp trên công trường, không phải dễ viết. Bởi lẽ, bóng của họ luôn nhòa trong nắng gắt, dáng của họ luôn mờ trong mưa bay. Bởi lẽ, ánh mắt của họ luôn e dè, bước đi của họ luôn vội vã. Bởi lẽ, hạnh phúc của họ luôn mong manh, câu chuyện của họ luôn khuất lấp. Bằng thái độ thiện chí và ấm áp, Phùng Hiệu đứng chung hàng ngũ với họ. Như cái Tết của người công nhân góa phụ đắp đổi thiếu hụt: Đêm giao thừa khói bếp lạnh như đông/Nhìn lũ trẻ mơ về nhau chiếc áo/Nơi chái bếp xuân về dăm ký gạo/Với dưa cà cơm mắm đợi mùa sang...
Đọc tập thơ "Biên bản thặng dư" của Phùng Hiệu, cảm giác nặng nề khó tránh khỏi. Trong nhộn nhịp tốc độ đô thị hóa, Phùng Hiệu giúp độc giả thấu hiểu sự vất vả của người lao động.