Theo ghi nhận của phóng viên, vụ hoa cúc đợt này ở Tây Tựu chủ yếu phục vụ cho ngày rằm tháng 7 (lễ Vu lan báo hiếu) nên đa số các gia đình trồng hoa đầu tư rất nhiều công sức, tiền của để thuê người chăm sóc hoa, hy vọng vào một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, gần tới thời gian thu hoạch, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhiều chủ vựa hoa phản ánh tìm đầu ra rất khó vì tiểu thương không ra vào được.
Dọc trục đường chính qua làng hoa Tây Tựu, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Công và vợ đang tỉ mỉ lựa chọn những bông hoa còn có thể bán rẻ được trong vườn hoa hơn 30.000 gốc đang đổ nghiêng đổ ngả và chết sơ xác. Anh Công chia sẻ, do tiểu thương không vào tới vườn để lấy được nên những ngày qua mặc dù tới ngày thu hoạch nhưng hoa không có chỗ để bán. Gia đình anh bỏ mặc, để cả chục ngàn gốc hoa cúc chết dần dưới nắng nóng.
“Giờ hoa không bán được, bảo chuyển đổi sang nghề khác làm sao được trong khi bao đời nay gia đình sống bằng nghề trồng hoa. Chính quyền không có động thái gì để hỗ trợ, cũng không xuống xem thực tế người dân như thế nào?”, anh Công ngậm ngùi.
Cũng theo anh Công, muốn chở hoa ra ngoài địa phương để bán phải có giấy tờ xác nhận của các ki ốt hoa, cửa hàng hoa. Là nông dân, gia đình anh không thể kiếm được giấy đó. Trong khi trò chuyện, anh Công chỉ sang vườn hoa cúc người em với hơn 50.000 gốc đang cho thu hoạch cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Theo tính toán của anh Công, riêng gia đình anh, để chăm sóc hơn 30.000 gốc hoa gia đình phải thuê người tỉa nụ, tỉa chánh, cùng với đó là tiền điện, tiền vốn, làm giàn, che lưới, đánh thuốc cũng mất vài chục triệu.
“Nếu không có dịch, đợt rằm tháng 7 này, người dân cúng tháng cô hồn nhiều, với vườn hoa này, tôi tính cũng kiếm được gần trăm triệu, nhưng giờ không biết nhặt nhạnh có kiếm được vài triệu hay không”, anh Công nói.
Theo chia sẻ của anh Công, hoa ở Tây Tựu chủ yếu cung cấp cho các chợ Quảng Bá, chợ Hà Đông để đi các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, những chợ này cũng hạn chế vì dịch bệnh nên không bán được.
Cách đó không xa, ông Thanh đang chăm sóc vườn hoa cúc mới trồng cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nặng nề đến người dân trồng hoa Tây Tựu. Kể cả người dân mang hoa ra ngoài bán cũng chả có chỗ bán và cũng không mấy người mua.
“Nếu là rau, củ, quả còn bảo không bán được thì để ăn, nhưng đây là hoa, ăn sao được. Nếu không bán được thì vứt đi”, ông Thanh chia sẻ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Huyền và con gái đang thu hoạch hoa cúc ở vườn bên cạnh để bán dịp rằm tháng 7 cho hay, nếu không có dịch, ngày rằm này giá bèo cũng bán được 200.000 đồng/50 bông cúc, còn giờ kể cả người dân chở hoa ra tại các chốt kiểm soát, bán cho một số tiểu thương nhỏ (tiểu thương khoogn vào được nên gọi người dân mang hoa ra) cũng chỉ được 70.000-80.000 đồng/50 bông. Thậm chí, còn không bán được phải mang về hoặc vứt bỏ.
Vườn hoa của bà Huyền có tổng vốn đầu tư khoảng hơn 20 triệu đồng, bà cho biết, đợt này không biết có thu về được 5 triệu không, vì không biết bán ở đâu. “Giờ nhà chẳng có tiền tiêu, hoa lại bán chả bán được. Diện tích trồng hoa ít, nên hai mẹ con vẫn phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống”, bà Huyền chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Trần Phi, Chủ tịch UBND phường Tây Tựu cho biết, hiện toàn phường với hơn 200ha tiện tích trồng hoa. Trước phản ánh của người dân trồng hoa không bán được do “ngăn sông cấm chợ”, ông Phi khẳng định, ở địa phương các giao dịch, mua bán vẫn diễn ra bình thường. Việc người dân nhổ bỏ hoa là những hoa xấu, hoa quá tuổi. Còn hoa đúng vụ vẫn được tiểu thương vào thu gom mang đi.
“Hiện phường chỉ hỗ trợ bằng cách tạo điều kiện cho bà con đi lại để chăm sóc, bảo quản hoa. Đúng là dịch bệnh nên giá hoa hiện nay rẻ hơn trước khá nhiều”, ông Phi cho hay.