Bên cạnh việc giúp con người giải tỏa bớt những căng thẳng, mệt mỏi, cân bằng lại cuộc sống thì dịch vụ karaoke tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản.
Có thể dẫn chứng một số ví dụ như: Vụ cháy cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke tại số 68 phố Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội xảy ra vào ngày 1-11-2016, hậu quả khiến 13 người thiệt mạng thương tâm.
Hay gần đây nhất là vụ cháy tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke ISIS, địa chỉ số 231 phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội ngày 1-8-2022 khiến 3 cán bộ chiến sĩ thuộc Công an TP Hà Nội hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.
Thực tế cho thấy, cơ sở kinh doanh karaoke thường có đặc điểm kiến trúc rất kín để tránh tiếng ồn sang nhà lân cận, mặt trước công trình hầu như bị che chắn để làm biển hiệu quảng cáo; điều kiện thông gió gần như không có, khi xảy cháy sẽ xảy ra hiện tượng tụ khói.
Đây cũng là nơi tồn chứa nhiều chất dễ cháy như bàn ghế, phông rèm, cách âm, thảm nền bằng mút, xốp, cao su, bông vải sợi… do đó, khi cháy, tốc độ cháy lan cực nhanh, tỏa nhiều khói, khí độc.
Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều loại thiết bị điện với công suất lớn như điều hòa, thiết bị âm thanh, ánh sáng… dễ dẫn đến tình trạng quá tải, chập mạch gây cháy. Việc thay đổi công năng sử dụng từ nhà ở thành quán karaoke nhưng không chú ý đến các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC cũng là một trong những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về PCCC như thiếu lối thoát nạn, hệ thống điện, ngăn cháy lan....
Để đảm bảo an toàn PCCC, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra, Công an TP Hà Nội khuyến cáo đối với chủ cơ sở kinh doanh và người dân khi tham gia vui chơi tại các cơ sở karaoke cần tuyệt đối tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC; thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC và cứu nạn cứu hộ; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân viên kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC và thoát nạn khi có cháy, nổ; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở nhân viên, khách hàng chấp hành các quy định về an toàn PCCC.
Chủ cơ sở phải tự tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC và cứu nạn cứu hộ, trong đó tập trung xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn cứu hộ; có phương án chống cháy lan, có lối ra khẩn cấp, lối thoát nạn; có biện pháp quản lý, sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy nổ, sinh nhiệt; có bố trí công tác trực PCCC để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố ngay từ khi mới phát sinh...
Khi tham gia đến các nơi vui chơi, giải trí cần chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; không mang chất cháy, chất nổ đến những nơi này.
Công an TP Hà Nội cũng khuyến cáo người dân, trước khi có hoạt động vui chơi cần quan sát kỹ các lối thoát nạn đề phòng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra thì xử lý được kịp thời và an toàn cho chính bản thân mình.
Khi phát hiện xảy cháy hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho mọi người biết để mau chóng di chuyển ra nơi an toàn qua cửa chính, qua cầu thang thoát hiểm, tuyệt đối không được sử dụng thang máy.
Trong quá trình thoát hiểm ở vùng có nhiều khói, hãy dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn.
Trường hợp lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác: qua ban công, cửa sổ, sân thượng sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống mặt đất bằng thang, thang dây… tuyệt đối không núp trong phòng, trong nhà vệ sinh…
Trường hợp không còn lối thoát nào khác hãy dùng áo, quần thấm ướt, trùm lên đầu và người cố gắng thoát qua đám cháy một cách nhanh nhất có thể.