Người dân lại phản đối thu phí BOT tại trạm thu phí Cầu Rác
Nhiều người dân ở địa bàn thị xã Kỳ Anh đã điều khiển xe ô tô các loại đến tập trung di chuyển rất chậm, đồng thời dùng tiền lẻ mệnh giá thấp - 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng - để mua vé qua Trạm thu phí Cầu Rác.
Khoảng 8 giờ sáng ngày 4-5, nhiều người dân ở địa bàn thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã điều khiển xe ô tô các loại đến tập trung di chuyển rất chậm trên tuyến quốc lộ 1A ở khu vực Trạm thu phí Cầu Rác, đoạn qua địa bàn xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên do Công ty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà (trực thuộc Tổng Công ty Sông Đà) quản lý, vận hành để phản đối việc thu phí BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) bất hợp lý.
Ngoài ra, người dân còn dùng tiền lẻ mệnh giá thấp: 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng… để mua vé qua Trạm thu phí Cầu Rác nhằm làm mất thời gian kiểm đếm tiền lẻ của nhân viên thu phí.
Người dân sử dụng tiền lẻ mệnh giá thấp để thanh toán khi qua Trạm thu phí Cầu Rác
Sự việc này khiến giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua Trạm thu phí Cầu Rác bị ách tắc kéo dài. Trước tình trạng này, nhân viên của Trạm thu phí BOT Cầu Rác đã phải mở barie không thu phí nữa để các phương tiện lưu thông tự do. Đoàn xe ô tô của người dân sau đó đi qua đi lại 2-3 vòng qua Trạm thu phí Cầu Rác rồi mới trở về.
Nhận tin báo, các lực lượng Công an đã có mặt tại hiện trường tổ chức điều tiết, phân luồng giao thông đảm bảo an ninh trật tự. Đến hơn 10 giờ cùng ngày tình hình ách tắc trên tuyến Quốc lộ 1A đã cơ bản được giải quyết, giao thông thông suốt trở lại.
Lực lượng Công an làm nhiệm vụ phân luồng giải phóng ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1A
Trước đó, ngày 16-4 để phản đối thu phí BOT qua Trạm thu phí Cầu Rác, hơn 50 xe ô tô các loại của người dân ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tập trung lên Trạm thu phí Cầu Rác gây ách tắc giao thông quốc lộ 1A.
Trước tình trạng đó, ngày 27-4, Bộ GTVT đã có công văn gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, Tổng Công ty Sông Đà thống nhất miễn giảm 100% giá vé đối với phương tiện của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú và các tổ chức doanh nghiệp có trụ sở chính trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh lưu thông qua Trạm thu phí Cầu Rác.
Bộ GTVT cũng chỉ đạo Tổng Công ty Sông Đà khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan làm thủ tục theo quy định áp dụng miễn giảm giá dịch vụ từ ngày 1-5-2017.
Người dân thị xã Kỳ Anh bức xúc khi hàng ngày không hề đi trên bất kỳ mét vuông nào của tuyến đường BOT, tuyến tránh TP Hà Tĩnh (cách xa Trạm thu phí Cầu Rác gần 30km) của Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà khai thác, quản lý, nhưng mỗi lần đi qua Trạm thu phí Cầu Rác đều phải nộp tiền phí BOT là 35.000 đồng/lượt, mỗi tháng mất mấy triệu đồng là hết sức vô lý. Trong khi đó, mới đây người dân huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh cũng không đi trên mét vuông nào của tuyến đường Tránh TP Hà Tĩnh lại được cơ quan chức năng quyết định miễn 100% phí khi qua Trạm thu phí Cầu Rác. Như vậy lẽ ra người dân ở thị xã Kỳ Anh cũng phải được miễn 100% phí…
Trước đó, ngày 28-4-2017, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản số 521 gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, Tổng Công ty Sông Đà nêu rõ: Để đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, UBND thị xã Kỳ Anh đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh, Tổng Công ty Sông Đà kịp thời có văn bản đề xuất các bộ, ngành sớm miễn giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các phương tiện của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú và các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính trên địa bàn thị xã Kỳ Anh (giống như huyện Kỳ Anh, huyện Cẩm Xuyên). Bởi các phương tiện thuộc địa bàn thị xã Kỳ Anh khi lưu thông qua Trạm thu phí Cầu Rác cũng không tham gia tuyến đường BOT giống như người dân ở huyện Kỳ Anh nhưng lại không nằm trong diện được miễn giảm.
Trạm thu phí Cầu Rác bị ách tắc sáng 4-5
Sáng 4-5, theo thông tin từ một cán bộ Công ty TNHH hạ tầng Sông Đà, hiện vẫn chưa nhận được văn bản đề xuất nào của thị xã Kỳ Anh trình bày việc miễn giảm. "Sắp tới khi nhận được văn bản, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để tìm phương án giải quyết", vị này cho biết.
Như Báo SGGP phản ánh, từ năm 2005 tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh được xây dựng theo hình thức BOT có chiều dài 16km, điểm đầu tại xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, điểm cuối tại xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Công trình do Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà (thuộc Tổng Công ty Sông Đà) làm chủ đầu tư và được đưa vào khai thác năm 2009. Sau khi hoàn thành, Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà đề xuất được sử dụng Trạm cầu Rác, đặt trên Quốc lộ 1A tại địa phận xã Cẩm Trung, Cẩm Minh (huyện Cẩm Xuyên) để thu phí hoàn vốn đầu tư đường BOT tuyến tránh TP Hà Tĩnh cho đến nay.