Diện mạo mới cho trung tâm thành phố
Theo báo cáo của Phòng Quy hoạch kiến trúc (Viện Quy hoạch xây dựng TP Đà Nẵng- UPI), tổng diện tích thu hồi 17.552m²/31.824m², số trường hợp thừa đất giải tỏa đi hẳn là 243 thửa, số thửa đất giải tỏa một phần 5 thửa.
Đối với phần diện tích còn lại nằm trong ranh giới nghiên cứu nhưng nằm ngoài ranh giới giải tỏa, sẽ ban hành chỉ tiêu quản lý kiến trúc cụ thể để đảm bảo mỹ quan chung cho cả khu vực.
Xây dựng khối dãy 26 căn shop house mặt sau đường Trưng Nữ Vương và tại vị trí chợ Nại Hiên theo phong cách Champa kết hợp với phố đi bộ, sân vườn và dãy tầng 1 sẽ hình thành khu mua sắm, dịch vụ sầm uất. Xây dựng khối căn hộ cao cấp cao tầng (23 tầng), bao gồm: khối đế 3 tầng: tầng 1, 2 bố trí được 243 kiôt thương mại và tầng 3 bố trí các khu tiện ích công cộng phục vụ người dân: nhà văn hóa, nhà trẻ, bể bơi, khu tập thể dục, sân chơi…
Khối tháp 20 tầng (từ tầng 4-23): bao gồm 2 block, với 600 căn hộ, trong đó từ tầng 4-13 sẽ dùng để bố trí tái định cư phục vụ giải tỏa (gồm 90 căn 80m² và 210 căn 60m²) và 10 tầng còn lại sẽ để lại phục vụ nhu cầu tái định cư cho các dự án trên địa bàn. Xây dựng khối khách sạn và thương mại - văn phòng 23 tầng, bao gồm 5 tầng khối đế để làm thương mại và 18 tầng khối tháp bố trí các phòng khách sạn, văn phòng.
Theo đại diện Phòng Quy hoạch kiến trúc (Viện Quy hoạch xây dựng TP Đà Nẵng- UPI) đánh giá, việc quy hoạch tái thiết khu vực Bình Hiên theo mô hình đô thị nén nhằm thay đổi diện mạo của khu dân cư hiện trạng, đồng thời nâng cao đời sống cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của phường Bình Hiên nói riêng và quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) nói chung.
Đảm bảo quyền lợi cho người dân
Đa phần các hộ dân đồng tình với chủ trương tái thiết đô thị khu vực này vì bề rộng các tuyến đường hiện nay quá nhỏ, nhà có diện tích nhỏ, không bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, xe chữa cháy và xe cấp cứu không thể chạy vào...
Ông Nguyễn Văn Thu, người dân kiệt 25 hẻm 18A/2 đường Trưng Nữ Vương (tổ 33 phường Bình Hiên, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho rằng, chỗ ở không xáo trộn, việc làm và việc học của con không bị ảnh hưởng là những hạnh phúc bình dị nhất mà ông Thu và những hộ dân xung quanh sẽ được hưởng lợi khi tái thiết đô thị. Tuy nhiên, việc ông trăn trở nhất là số tiền đền bù giải tỏa có đủ để mua một căn hộ cao cấp được thiết kế cho người dân định cư sau này.
“Khi giải tỏa đền bù, tái định cư ở chỗ khác, dù ở nơi nào, người dân chỉ mong được đến bù đủ tiền để mua hay được cấp lại một ngôi nhà tối thiểu bằng y diện tích nhà cũ”, ông Thu hy vọng.
Ông Huỳnh Việt Thành, người dân kiệt 46 đường 2/9 (phường Bình Hiên, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), việc tái thiết đô thị là một điều cần thiết, mà ở đó người dân được thụ hưởng những tiện ích đáng sống, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm các vấn đề an sinh xã hội.
Tuy nhiên, ông Thành đặt vấn đề phương án này “có nén quá không?” Theo kế hoạch, người dân sẽ được tái định cư khối tháp 20 tầng (từ tầng 4-23) bao gồm 2 block, với 600 căn hộ trong khi nếu nhân khẩu mỗi gia đình cơ bản là 4 người tương đương dân số của một phường nho nhỏ. Với mật độ như vậy khi quá nén tạo nên áp lực rất lớn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp: giờ cao điểm đi thang máy, thiết kế chỗ để xe cộ,...
“Tòa nhà nên chỉ giải quyết người dân tái định cư tại chỗ thôi, người dân muốn đi nơi xa thì có thể tạo điều kiện cho họ, không nên để người dân tái định cư nơi khác đến nơi, điều này sẽ tạo nên sức ép đối với khu đô thị mới”, ông Thành chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Huy, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) cho biết, việc tái thiết đô thị không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền, mà cần có sự tham gia của các tổ chức và người dân tại khu vực tái thiết để hài hòa giữa lợi ích của người dân, chủ đầu tư, đô thị và cộng đồng. Điều ông mong muốn khi tái thiết, người dân có thể ở lại và sử dụng những tiện ích của khu vực mới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. “Làm sao trong quá trình tái thiết, người dân vẫn được đảm bảo quyền lợi”, ông Huy nhấn mạnh.