Tại buổi đối thoại, đa số người dân nêu ý kiến yêu cầu thành phố có biện pháp sớm di dời 2 nhà máy thép trên ra khỏi khu vực dân cư sinh sống. Ông Phan Nhạn (tổ 6, Vân Dương 1) gay gắt nói: “Chính quyền thành phố vì dân hay vì nhà máy? Đề nghị đóng cửa lò nấu thép, chứ giải tỏa đi nơi khác (khu tái định cư Hòa Liên 6) cũng vậy, đề nghị trả lời cho dân”.
Ông Trần Văn Lung (trú thôn Vân Dương 2) tỏ ra bức xúc: “Người dân đã 11 năm chịu đựng, thành phố chọn nhà máy hay chọn dân. Nguyện vọng của chúng tôi yêu cầu kiên quyết di dời nhà máy. Người dân đã chịu đựng như thế là quá lắm rồi”.
Việc bà con bức xúc là đúng, tuy nhiên nếu đóng cửa nhà máy thì lấy tiền đâu đền bù cho dân. Sau khi nghe đại diện nhà máy thép Dana - Ý nêu ý kiến, người dân đã bức xúc la lối phản đối, vì cho rằng đó là phát biểu vô lý. Không khí buổi đối thoại diễn ra hết sức căng thẳng.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, cuối năm 2016, khi bà con bức xúc về vấn đề ô nhiễm môi trường tại đây, thành phố đã kiểm tra và cũng đã tổ chức đối thoại nhiều lần. Lãnh đạo thành phố đang lúng túng, di dời nhà máy hay dân đều xấu. Nếu di dời 2 nhà máy thì không thể tìm được vị trí nào phù hợp để đặt 2 nhà máy. Trước mắt, chúng tôi ghi nhận ý kiến của bà con và báo cáo lại Thành ủy, UBND TP về việc yêu cầu đóng cửa nhà máy.
Trong khi ông Hồ Kỳ Minh phát biểu thì hàng trăm dân hò hét, phản đối và kiên quyết không cho nhà máy hoạt động nữa, yêu cầu phải giải quyết rõ ràng. Đến mức này, cuộc đối thoại tiếp tục tạm dừng thêm một lần nữa.
Ngay sau đó, người dân đã lũ lượt kéo nhau đến bao vây hai nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc. Không chỉ hai nhà máy này không được hoạt động mà những nhà máy bên cạnh gây ồn ào cũng bị người dân cản trở không cho hoạt động.