Người dân khu cách ly, phong tỏa có thể mua hàng chung

Đó là giải pháp mà Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đang triển khai nhằm giảm áp lực thiếu nhân lực giao hàng và nhiều shipper phải tạm ngừng hoạt động do lo ngại những quy định về hạn chế ra đường. 
Nhân viên siêu thị đi chợ cho khách đặt hàng online
Nhân viên siêu thị đi chợ cho khách đặt hàng online

Ngay khi Chính phủ áp dụng Chỉ thị 16 về thực hiện giãn cách xã hội cho 19 tỉnh thành, nhiều doanh nghiệp (DN) chuyên giao nhận hàng đã gặp khó. Bởi quy định mới về điều kiện hoạt động và danh mục hàng hóa được vận chuyển rất hạn chế khiến hàng loạt shipper tắt app không nhận cuốc dẫn đến việc giao hàng cho khách gặp rất nhiều khó khăn.

Trên cơ sở đó, ngoài việc cung ứng hàng hóa mua sắm trực tiếp tại siêu thị, qua trang web, qua ứng dụng Saigon Co.op, qua kênh đặt hàng hợp tác với các ứng dụng công nghệ, Saigon Co.op cũng đề xuất thêm phương án phối hợp thực hiện đặt mua chung để cung ứng hàng thiết yếu cho khu dân cư phong tỏa, khu cách ly. Theo đó, Saigon Co.op sẽ gửi đến các khu vực danh mục hàng hóa thiết yếu hơn 100 mặt hàng. Các cơ quan, tổ chức cử đầu mối ghi nhận nhu cầu người dân rồi tổng hợp thành một đơn hàng chung. Saigon Co.op sẽ giao hàng cho đầu mối hoặc nhận tại siêu thị, sau đó phân chia lại cho cá nhân, hộ gia đình trong khu cách ly, phong tỏa y tế. Lịch đặt và giao hàng sẽ được thống nhất cụ thể, tần suất trung bình 2 lần/tuần . Siêu thị cũng khuyến khích các khu phố, khu dân cư bình thường tạo đầu mối tham gia mua chung để hạn chế tối đa ra đường. 

Cùng với hệ thống phân phối, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với Hội Lương thực thực phẩm TPHCM và UBND quận huyện thiết lập đầu mối tiếp nhận và cung ứng hàng thiết yếu cho người dân. Quận huyện có trách nhiệm kết nối trực tiếp nguồn cung hàng hóa từ DN sản xuất đến khu dân cư. 

Cũng theo đại diện Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, dù diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, các DN sản xuất hàng hóa thiết yếu vẫn đang nỗ lực để duy trì sản xuất 100%-200%. Duy chỉ có số ít DN sản xuất mì gói bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu hoặc đang xin phép thay đổi một số thành phần nguyên liệu mới nên công suất sản xuất có sụt giảm nhẹ, khoảng 50%-70%. Riêng Saigon Co.op, đơn vị này cho biết lượng hàng hóa nhập về cho hơn 250 siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Finelife, HTVCo.op tại khu vực TPHCM tương đối đầy đủ, giá bình ổn. Nhà bán lẻ này đang có phương án tăng cường cung ứng hàng hóa thiết yếu nhanh nhất có thể đến các khu dân cư, khu phong tỏa, cách ly theo phương thức mua chung.  Đặc biệt, với nguồn thịt heo, Saigon Co.op đã tăng nguồn hàng từ các nhà cung cấp khác để bù cho lượng nhập từ Vissan, đặc biệt là khu vực TPHCM, điển hình là nhà cung cấp Anh Hoàng Thy và Nam Phong. Đồng thời siêu thị cũng tăng lượng thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản để người dân có thêm lựa chọn thay thế.

Có thể nói, công tác vận chuyển, tập kết hàng hóa từ các tỉnh thành về TPHCM đã được khai thông thuận lợi hơn so với khi mới bắt đầu thực hiện giãn cách nên lượng hàng về các điểm bán đang ổn định và có xu hướng tăng. Cái khó hiện nay chủ yếu là khâu phân phối hàng hóa từ siêu thị đến tay người dân. Do đó, cần tạo điều kiện giao hàng liên quận hoặc các quận cận kề và danh mục hàng hóa giao nhận mở rộng, hàng hóa sẽ đến tay người dân nhanh hơn, giải tỏa đơn hàng tồn nhiều hơn, góp phần hiệu quả cùng người dân TP phòng chống dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục