Cuối giờ chiều 30-10, giải trình lại những ý kiến ĐBQH sau 1 ngày thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, nhiệm kỳ này tăng thêm 2 tổng cục, 7 cục, giảm được 11 vụ, giảm được 56 phòng thuộc bộ. Các cơ quan chuyên môn ở cấp tỉnh, cấp huyện cơ bản thực hiện đúng quy định.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp phó đã giảm, ví dụ bình quân số lượng Thứ trưởng đã giảm từ 5,55 xuống 4,7; Phó Tổng cục trưởng từ 3,22 giảm còn 3; đã giảm được hơn 7.000 biên chế…
Tiếp thu các ý kiến ĐBQH, cuối giờ chiều 30-10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ sẽ xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Trung ương 6 "một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Về rà soát bộ máy, Chính phủ giao Bộ Nội vụ rà soát lại những gì còn chồng chéo, hạn chế để sửa đổi. Sẽ phân cấp, phân quyền hợp lý cho các bộ ngành, địa phương. Rà soát các dịch vụ mà cơ quan Nhà nước không cần thiết tham gia để tư nhân làm.
Tiếp tục kiện toàn các cơ quan của Chính phủ, bộ ngành để hạn chế sự giao thoa, chồng chéo. Về cơ bản, Chính phủ sẽ quy định khung cấp phó, các địa phương chủ động quyết định, miễn là không vượt khung.
Tương tự, tới đây cũng sẽ quy định khung các cơ quan chuyên môn ở cấp huyện, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh khung tổ chức để thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm không bỏ sót, không chồng lấn, chồng chéo. Trên cơ sở đó sẽ quy định một số cơ quan mang tính thống nhất, tạm gọi là phần cứng, phần còn lại sẽ do chính quyền địa phương xem xét, quyết định nên hợp nhất, nên giải thể, có thành lập hay không thành lập.
Về tinh giản biên chế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết sẽ có Nghị định của Chính phủ về vấn đề này. Tinh thần là thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng về tinh giản biên chế, thực hiện nghiêm đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015; Chấm dứt tự giao biên chế.
Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo đề án việc làm để giảm gia tăng áp lực tăng biên chế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra đội ngũ cán bộ công chức, viên chức để loại bỏ những trường hợp không đủ tiêu chuẩn...
ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương):
Người dân không thể mãi đóng thuế để cõng cả một bộ máy cồng kềnh
Thủ tướng Chính phủ lẽ ra chỉ làm chính sách và quyết định những vấn đề trọng đại quốc gia, nhưng phải chỉ đạo giải quyết những chuyện như "cà phê Xin Chào là" không hợp lý. Nhưng sau vụ đó, tình trạng này chẳng những không giảm mà vẫn tiếp diễn. Câu chuyện cái cống nước ở 146 Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) kéo cả các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương vào cuộc. Cống nước ở Quán Thánh dĩ nhiên là ô nhiễm nhưng điều này không đáng sợ bằng sự ô nhiễm tư duy, nhận thức đã len lỏi trong một số cán bộ công chức hiện nay.
Hay như việc của Phó Chủ tịch quận 1, TPHCM Đoàn Ngọc Hải xuống đường dẹp lấn chiếm vỉa hè, chúng ta tán dương hay thương cảm khi hình ảnh một vị Phó Chủ tịch quận phải thân chinh khắp các nẻo đường chỉ để dọn dẹp lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè.
Hình ảnh cụ già gần 80 tuổi cùng các cháu giành giật chiếc xe bán cá viên chiên từ tay đoàn kiểm tra liên ngành mới thấy hết sự bất lực trong quản lý kỷ cương và vô trách nhiệm của chính quyền cơ sở.
Trong công cuộc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, dù phải lấy đá ghè chân chính mình thì chúng ta cũng phải làm vì đã đến lúc người dân không thể mãi đóng thuế để cõng cả một bộ máy hành chính cồng kềnh nhưng kém hiệu quả.