Quá tải sức mua tại Gò Vấp
Theo phản ánh của khách hàng, một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Gò Vấp đã “thúc thủ” trước sức mua quá lớn của người dân. Nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu như rau củ quả, gạo, mì gói, phở ăn liền, bún khô… liên tục bị đứt hàng cho dù các siêu thị nỗ lực cung ứng, đồng thời liên tục phát đi các thông tin sẽ tăng thời gian mở cửa và không thiếu nguồn hàng.
Tại siêu thị Emart (quận Gò Vấp), dòng người xếp hàng dài chờ đến lượt rửa tay khử khuẩn và đo thân nhiệt. Bên trong siêu thị, người dân đổ xô mua sắm các thực phẩm tươi sống, rau xanh, trái cây, mì gói, bột gia vị, nước mắm... Lượng khách mua đông nên dù còn hàng nhưng nhân viên siêu thị vẫn không châm kịp hàng khiến quầy kệ trống nhiều. Siêu thị bố trí 42 quầy thu ngân, tuy nhiên vì lượng người đông nên không đáp ứng kịp, mỗi quầy có hàng chục người xếp hàng chờ tới lượt thanh toán.
Tương tự, tại các chợ, điểm bán thịt gia cầm, gia súc và rau củ quả cũng chuẩn bị lượng hàng tăng khá cao so với ngày thường. Tuy nhiên, do sức mua lớn nên nhiều điểm bán đã hết hàng ngay từ giữa chiều.
Đến 17 giờ cùng ngày, dường như người mua đã bình tĩnh hơn và các siêu thị cũng đã lên kế hoạch phối hợp cung ứng tốt hơn nên hàng hóa không còn khan hiếm cục bộ.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho hay, tại các siêu thị trong hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op, lượng hàng hóa thiết yếu luôn được dự trữ tăng từ 30% - 40% so với ngày thường. Hiện nay lượng hàng hóa của Saigon Co.op từ các tỉnh về TPHCM vẫn thông suốt, duy trì ổn định. Các siêu thị sẵn sàng kéo dài thời gian mở cửa để phục vụ tối đa nhu cầu của khách, song vẫn đảm bảo các yêu cầu phòng dịch như yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào siêu thị, điều chỉnh nhiệt độ trên 25°C trong siêu thị...
Hàng hóa dồi dào, đủ cung ứng liên tục
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, ngay sau khi có thông tin sức mua tại một số siêu thị tăng bất thường, sở đã chủ động làm việc với đại diện các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi quy mô lớn trên địa bàn như Saigon Co.op, Vinmart, MM Mega Market… để nắm tình hình.
Các hệ thống này khẳng định, lượng hàng hóa rất dồi dào, đủ khả năng cung ứng liên tục và đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân TP. Đồng thời, các đơn vị phân phối đã chủ động làm việc với các đơn vị sản xuất, cung ứng các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu để chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân trong 6 tháng cuối năm.
Việc có thông tin khan hiếm hàng hóa và các quầy kệ trống là do nhân viên chưa kịp đưa hàng lên kệ, hoàn toàn không có vấn đề thiếu hụt hàng hóa.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, với việc chuẩn bị chu đáo về nguồn hàng, đa dạng về mẫu mã, chất lượng đảm bảo và giá cả ổn định, người dân không nên tích trữ hàng hóa trong thời điểm hiện nay, gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng thị trường. Ngoài ra, người dân nên ưu tiên sử dụng hình thức mua hàng trực tuyến để hạn chế đến những nơi tập trung đông người.
Mặt khác, Sở Công thương cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh phải đảm bảo cung ứng đầy đủ, liên tục, thông suốt các mặt hàng xăng, dầu; lương thực thực phẩm thiết yếu; khẩu trang, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn...
Yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động trực tiếp kinh doanh tại các cửa hàng phải đeo khẩu trang và rửa tay kháng khuẩn trong quá trình tiếp xúc, trao đổi mua bán, giao dịch với khách hàng. Yêu cầu UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trường hợp kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn, không niêm yết giá hoặc tăng giá bán tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà thuốc và cửa hàng đang hoạt động trên địa bàn. Tăng cường công tác hướng dẫn các đơn vị đang kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực chợ (gồm cả chợ đầu mối), siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng trên địa bàn thực hiện điều chỉnh nhiệt độ tại các điểm bán lên hơn 25°C theo yêu cầu của TP.