Trước đó, ngày 10-2, trên mạng xã hội Facebook lan truyền một clip về việc bà X. ôm con khóc trước cổng Bệnh viện Nhi Đồng 2. Trong clip, bà X. cho biết đã để dành được 9,5 triệu đồng để đưa con trai xuống Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám bệnh. Tuy nhiên, khi đến TPHCM, bà bị 2 kẻ gian dàn cảnh hỏi đường và lấy sạch số tiền mang theo. Riêng chiếc điện thoại, bà để trong bịch tã của con nên không bị mất.
Tuy nhiên, tại cơ quan công an, bà X. thừa nhận bị 2 người móc túi tại cổng Bệnh viện Nhi đồng 2 như thông tin trên đoạn clip là không đúng sự thật. Mục đích bà X. đăng đoạn clip trên là muốn cộng đồng trên mạng xã hội hỗ trợ, quyên góp nhằm có đủ tiền khám bệnh cho con và mua vé xe về nhà.
![Công an làm việc với bà X. mo mat.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/ohpohuo/2025_02_14/mo-mat-6191-2139.jpg.webp)
Trước đó, dịp cận Tết Ất Tỵ 2025, các trang mạng xã hội xuất hiện tài khoản xưng là bác sĩ bệnh viện hay sinh viên thực tập ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình (quận 5) kêu gọi cộng đồng giúp đỡ, chuyển tiền cho 1 bệnh nhân (sinh năm 1987, ngụ tỉnh Phú Thọ). Bài viết này cho biết, người bệnh bị tai nạn gãy cổ và bị chồng bỏ lại bệnh viện do chi phí cao.
Kèm theo thông tin kêu gọi từ thiện là hình ảnh bệnh nhân, số tài khoản ngân hàng. Thông tin trên cũng được 1 tài khoản nhận là sinh viên thực tập tại bệnh viện đăng lại.
Đồng thời, một tài khoản khác xưng là bác sĩ cũng đăng tin kêu gọi chuyển tiền từ thiện cho bệnh nhân (sinh năm 1973) cũng ở bệnh viện này. Các thông tin đăng tải đều kèm theo số tài khoản ngân hàng.
Tuy nhiên, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM cho biết, không có bệnh nhân nào như hình ảnh, thông tin như các bài đăng trên mạng; đồng thời, không có bác sĩ, sinh viên thực tập nào đi kêu gọi từ thiện.
Vào ngày 10-2, mạng xã hội lan truyền bài viết về nam bệnh nhân tên D. bị vỡ mạch máu và chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Bài viết nêu chi phí điều trị cho bệnh nhân khoảng 70 triệu đồng, mỗi ngày bệnh nhân phải lọc máu, chạy thận với chi phí 10 triệu đồng và ông D. vẫn đang hôn mê.
Thông tin đăng tải kèm theo là cần sự hỗ trợ của nhà hảo tâm và số tài khoản ngân hàng của người nhận. Qua xác minh, trường hợp bệnh nhân trên rất nặng và gia đình đã xin về nhà vào ngày 10-2. Thông tin bệnh nhân đang hôn mê, lọc máu ở bệnh viện là không đúng.
Cơ quan công an khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội. Tuyệt đối không chuyển tiền cho các cá nhân hoặc tổ chức tự phát không có danh tính rõ ràng.