Hàng triệu cử tri Iran ngày 14-6 đi bỏ phiếu bầu cử tổng thống. Cuộc bầu cử được nhận định có nhiều gay cấn và đứng trước nguy cơ phải bỏ phiếu vòng hai, do kết quả thăm dò dư luận cho thấy không ứng cử viên nào có khả năng giành được số phiếu quá bán cần thiết để giành chiến thắng ngay trong vòng bỏ phiếu thứ nhất.
Chọn cải cách hay bảo thủ?
Trong trường hợp không có ứng cử viên nào giành được tối thiểu 50% số phiếu bầu, cuộc bầu cử vòng hai sẽ diễn ra vào ngày 21-6 tới. Theo đó, ứng cử viên giành nhiều phiếu bầu nhất sẽ là người thắng cử và kết quả sẽ phải được Hội đồng giám hộ Iran, cơ quam giám sát bầu cử tổng thống thông qua.
Về cán cân bầu cử hiện nay, theo nhận định của các nhà phân tích, cuộc bầu cử sẽ là cuộc cạnh tranh giữa phe cải cách và phe bảo thủ. Đã có 2 trong 8 ứng cử viên tổng thống, một thuộc phe cải cách, một thuộc phe bảo thủ, rút lui khỏi danh sách tranh cử. Như vậy, trong cán cân bầu cử hiện nay, phe cải cách chỉ có hai ứng cử viên, trong khi phe bảo thủ có tới 4 ứng cử viên.
Nổi bật trong số 4 ứng viên phe bảo thủ có Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Saeed Jalili, người ủng hộ việc duy trì, chính sách đối ngoại hệ tư tưởng định hướng mạnh mẽ của Iran. Về phía phe cải cách, ông Hassan Rouhani, cựu Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia tối cao là ứng viên sáng giá.
Các cường quốc phương Tây đang theo dõi sát sao vòng bầu cử tổng thống mới của Iran, bởi trong 8 năm ông Ahmadinejad cầm quyền, chương trình đàm phán hạt nhân không thu được tiến triển nào. Kết quả bầu cử lần này được cho là sẽ tác động đến các chính sách tiếp theo của phương Tây đối với quốc gia “cứng đầu” trong khu vực Trung Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng lên tiếng nghi ngờ về độ tin cậy trong vòng bầu cử Iran sau khi viện dẫn những báo cáo cho biết có hiện tượng làm gián đoạn Internet trong quá trình vận động tranh cử của các ứng viên. Đáp lại những cáo buộc của Mỹ, lãnh tụ tinh thần tối cao Ali Khamenei khẳng định vòng bầu cử của Iran hoàn toàn minh bạch.
Đối mặt với nỗi lo kinh tế
Cuộc bầu cử đang thu hút sự quan tâm của cử tri khiến tỷ lệ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử được dự báo là sẽ ở mức cao. Kinh tế và chính sách đối ngoại là hai yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới cuộc bầu cử.
Về mặt kinh tế, Iran đang phải vật lộn với khó khăn chồng chất mà các chuyên gia cho rằng không chỉ bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này mà còn do sự quản lý yếu kém của chính phủ. Giá trị của đồng nội tệ Iran, đồng rial, đã giảm tới hơn một nửa trong vòng một năm qua, trong khi lạm phát ở mức trên 30%, tỷ lệ thất nghiệp ở mức trên 18%.
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, bất cứ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới cũng sẽ phải gánh vác một trọng trách rất lớn là đưa quốc gia Trung Đông này vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Theo họ, kinh tế sẽ là thách thức chính đối với người kế nhiệm Tổng thống Ahmadinejad. Không phải là vô cớ khi kinh tế lại là chủ đề đầu tiên của các cuộc tranh luận trên truyền hình của các ứng cử viên tổng thống.
Tại cuộc tranh luận này diễn ra ngày 1-6, cả 8 ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống đều thừa nhận các thách thức về kinh tế, đặc biệt là tình trạng lạm phát và thất nghiệp. Tất cả đều nhất trí rằng, việc kiềm chế lạm phát đang ngày càng gia tăng là thách thức lớn nhất đối với nhiệm kỳ tổng thống sắp tới. Bên cạnh đó, giải quyết nạn thất nghiệp và đồng nội tệ mất giá cũng là những vấn đề cấp thiết.
THANH HẰNG (tổng hợp)