6 tháng không mất điện
Anh Dương Tuyết Minh, phụ trách về điện ở Ban quản lý chung cư Era Town (phường Phú Mỹ, quận 7), nhận xét: “Hồi các block chung cư Era Town đầu tiên mọc lên, điện còn chập chờn, nhưng từ năm ngoái đến nay việc cấp điện đã rất ổn định. Chung cư gồm nhiều block, dành cho tái định cư và căn hộ thương mại, với hàng ngàn hộ dân. 6 tháng nay không mất điện do sự cố điện lần nào, chỉ có một lần chiều 21-6 do nguyên nhân khách quan là có cây cổ thụ đổ vào đường dây nên phải tạm ngắt điện chờ phát quang, dọn dẹp mới có điện lại”.
Không chỉ chung cư Era Town, gần 20.000 hộ dân sinh sống dọc trục đường Gò Ô Môi, Đào Trí, Hoàng Quốc Việt, Phạm Hữu Lầu… được cấp điện từ 2 nhánh dây trung thế Bờ Băng và Phú Mỹ cũng rất yên tâm về chuyện cấp điện ổn định. Từ cuối năm 2015, 2 tuyến dây này đã được các kỹ sư ngành điện nghiên cứu, học tập từ Nhật về áp dụng triển khai thí điểm dự án tự động hóa lưới phân phối (Distribution Automation System, gọi tắt là DAS).
Quản lý vận hành lưới điện trên màn hình trực tuyến tại Đội vận hành Công ty Điện lực Tân Thuận
Ông Nguyễn Đức Phú, Giám đốc Công ty Điện lực Tân Thuận, cho biết: “Dọc 2 tuyến Bờ Băng và Phú Mỹ được lắp đặt các thiết bị phân đoạn tự động có chức năng điều khiển, giám sát lưới. Khi xảy ra sự cố, thiết bị với chương trình cài đặt sẵn sẽ báo tín hiệu về trung tâm, đồng thời tự động khoanh vùng khu vực có sự cố, cung cấp điện trở lại cho phân tuyến còn lại, khắc phục được mất điện kéo dài và trên diện rộng như trước đây”. Ghi nhận số liệu thống kê khi vận hành dự án đến nay, thời gian mất điện 2 tuyến dây này chỉ còn 8,3 phút, thay vì như trước đây phải mất điện nhiều giờ, công nhân phải đi dò từng đoạn dây để phát hiện sự cố, thao tác khắc phục bằng tay.
Riêng tại khu vực quận 1 và 3, đang trong quá trình hạ ngầm lưới điện, nơi đây đã và đang triển khai hệ thống F.I (báo điểm xảy ra sự cố) mini SCADA (xử lý sự cố, chuyển nguồn, đóng cắt điện trên hệ thống máy tính). Năm 2016, số vụ mất điện sự cố trên địa bàn 2 quận này giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Riêng hệ thống SmartGrid (tự xác định điểm hỏng, tính toán phân tích và đưa ra giải pháp cấp điện trở lại trong thời gian nhanh nhất, công nhân không phải ra kiểm tra và xử lý tại hiện trường) đang được lắp đặt và sẽ đưa vào vận hành cuối năm nay.
Ghi chỉ số điện thuận tiện
Một tác dụng nữa của mô hình lưới điện thông minh là đo đếm chỉ số tiêu thụ điện từ xa. Công ty Điện lực Tân Thuận đang triển khai thí điểm việc này tại khu dân cư Phú Mỹ (quận 7), nếu hoàn tất và đưa vào áp dụng sẽ thuận tiện cho cả khách hàng và ngành điện - do người dân không phải mở cửa cho nhân viên vào ghi điện hàng tháng, hệ thống từ trung tâm sẽ tự động đo đếm, thông báo chỉ số cho người dân qua điện thoại.
Ông Luân Quốc Hưng, Trưởng ban Kỹ thuật của Tổng Công ty Điện lực TPHCM, thông tin: “Ngành điện đang triển khai thí điểm 4 khu vực lưới điện thông minh, ngoài khu dân cư Phú Mỹ còn có khu dân cư Miếu Nổi (Bình Thạnh), Khu công nghệ cao quận 9 và tuyến Tôn Đức Thắng - Mạc Đĩnh Chi (quận 1). Tất cả các thông số (điện năng tiêu thụ, điện áp, dòng điện) sẽ được cập nhật online trực tiếp, tránh tình trạng nhầm lẫn, ghi sai do ghi thủ công, giảm nhân lực ghi điện. Khách hàng có thể biết chỉ số để điều chỉnh mức tiêu thụ; doanh nghiệp biết để bố trí sản xuất cho phù hợp và tiết kiệm”.
Ngoài việc ghi chỉ số từ xa, còn có lợi ích lớn hơn, là khi xảy ra mất điện tại nhà khách hàng, tín hiệu sẽ truyền về trung tâm điều khiển để bố trí công nhân xuống sửa chữa, khách hàng không phải gọi điện lên báo mất điện.
Theo lộ trình của Tổng Công ty Điện lực TPHCM, cuối năm nay sẽ đưa 50% tuyến dây trung thế vào vận hành điều khiển từ xa, 50% trạm cấp điện 110kV sẽ không cần người trực, 25.000 trạm cấp điện phân phối sẽ được đo đếm từ xa, để giảm tối đa thời gian mất điện. 6 tháng đầu năm 2017, thời gian mất điện giảm hẳn, bình quân là 150 phút/khách hàng, so với chỉ tiêu là 400 phút/khách hàng/năm và năm 2018 con số này sẽ chỉ còn 300 phút.