
Ngày nào cũng vậy, bác Thượng Văn Tửng (ảnh) ở 314/9 ấp 1 xã Hiệp Phước cũng ngồi trước nhà nhìn ra đường, nơi cuộc sống đang nhộn nhịp, đổi thay.

Bác nhớ lại: “Ngày xưa ở khu vực này, đường sá chẳng có, rặt những rặng trâm bầu, cỏ dại. Đêm đến, cả xã tối mò mò như đêm 30, chẳng ai ra đường… Yên ắng và buồn tẻ lắm! Rồi khi Khu công nghiệp Hiệp Phước ra đời vào năm 1996, mở rộng và phát triển mạnh những năm sau đó, vùng đất này đã thay da đổi thịt, đường sá được rải nhựa láng bóng trong ánh điện, xe tải, xe container tấp nập lại qua. Đổi thay đến không ngờ…”.
Bác bộc bạch: “Trước đây, cuộc sống người dân chúng tôi cực khổ lắm, người bắt cua, còng, người nhặt rau mọc dại sống qua ngày… Giờ thì ở đây nhà nào cũng có con cái làm trong KCN, đời sống khá hơn rất nhiều”. Bác Tửng có hai anh con trai đang làm việc trong KCN Hiệp Phước. Khi dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Tạo thực hiện, nhà bác cũng phải lùi vào 20m nhưng bác bảo “chẳng phàn nàn gì” vì “tôi cũng gần đất xa trời rồi, chỉ mong đời sống của con em mình tốt đẹp hơn…”.
Dì Nguyễn Thị Cơ ở ấp 1 xã Phú Xuân huyện Nhà Bè thì cho biết: “Nhà nước đầu tư xây KCN rồi cảng Hiệp Phước nữa, sẽ mang lại cơ hội việc làm cho bọn trẻ ở đây. Vì nghèo, ăn chẳng đủ no, bọn trẻ phải đi đánh cá, kiếm củi phụ gia đình, lấy tiền đâu mà học. Giờ đây chỉ mong Nhà nước tổ chức dạy nghề cho con, em để sau này vào các nhà máy, xí nghiệp làm việc, ổn định cuộc sống…”.
Trong KCN Hiệp Phước, các công trình đường sá, nhà xưởng… đang được thi công một cách gấp gáp, khẩn trương. Tiếng máy xe, máy cẩu, tiếng va đập của sắt thép, tiếng nói cười của anh em công nhân… quyện vào nhau, sôi động và náo nhiệt. Trong công trường chủ yếu là những công nhân tuổi mới đôi mươi, trẻ trung nhiệt huyết, với niềm hy vọng, hoài bão lớn lao.
Anh Nguyễn Văn Chiến 26 tuổi, công nhân lái máy cẩu trong KCN Hiệp Phước với 5 năm trong nghề, hồ hởi nói: “Tôi làm ở đây được hơn nửa năm rồi, thu nhập cũng khá vì công việc nhiều và ổn định…”.
Anh Chiến và anh em công nhân ở đây cho biết, từ khi Bộ Giao thông Vận tải và UBND TPHCM cho nghiên cứu luồng Soài Rạp, rồi quyết định xây dựng đô thị cảng Hiệp Phước, các hoạt động xây dựng trong KCN nhộn nhịp, gấp gáp hẳn lên. Rất nhiều công trình nhà xưởng được xây dựng, tạo nhiều việc làm và cơ hội cho anh em. Hiện nay mọi người đều mong chờ luồng tàu biển Soài Rạp chính thức được khai thông, cảng Hiệp Phước được xây dựng để anh em công nhân có thể “làm không hết việc”...
KIÊN GIANG