Mặc dù chỉ có 6 sào đất đang trồng điều và là nguồn thu nhập hàng năm nhưng cuối tháng 3 vừa qua, hộ ông Nguyễn Văn Đức (phường Tân Bình) đã thống nhất hiến hơn 2 sào thuộc quy hoạch đường số 34 qua địa bàn phường.
Cùng đợt với ông Đức, ông Phùng Văn Hệ cũng quyết định hiến 3 sào trong tổng diện tích hơn 1,1ha cao su đang cho thu hoạch ở phường Tiến Thành, có giá trị hàng tỷ đồng để Nhà nước làm đường giao thông theo quy hoạch. Với diện tích đất hiến, mỗi năm gia đình ông mất đi hàng chục triệu đồng từ thu hoạch mủ cao su, dù vậy gia đình vẫn vui vẻ đồng thuận. Ông Phùng Văn Thế (phường Tân Bình) vừa qua cũng tự nguyện hiến hơn 3 sào trong khu đất 1,2ha cao su đang thời kỳ khai thác để TP Đồng Xoài làm đường giao thông.
Không chỉ người dân tại chỗ tình nguyện hiến đất, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Anh (ở phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cũng có nghĩa cử cao đẹp. Sau thời gian vận động, gia đình chị Tuyết Anh đồng ý hiến diện tích hơn 1.000m2 “đất vàng” trên đường Phan Bội Châu phục vụ việc xây dựng con đường nối dài, thuộc phường Tân Bình, trung tâm TP Đồng Xoài. Ngoài ra còn có công trình trên đất diện tích xây dựng 927m2 gồm: ngôi nhà, giảng đường, công trình phụ, tường rào, vật kiến trúc, cây cối… với tổng trị giá hơn 3,3 tỷ đồng cũng được hiến cho nhà nước.
Công trình trên đất do chị Nguyễn Thị Tuyết Anh tự nguyện hiến cho nhà nước để thực hiện dự án đường Phan Bội Châu |
Chị Tuyết Anh cho biết: “Cán bộ thành phố, phường, khu phố giải thích rằng dự án chỉ có đủ kinh phí xây lắp. Người dân không hiến mặt bằng thì địa phương sẽ rất khó khăn. Tài sản chúng tôi hiến có giá trị lớn nên nói không tiếc thì không đúng, nhưng tôi nghĩ làm đường mới, ngoài phục vụ chung cho cộng đồng thì người dân như chúng tôi được hưởng lợi trực tiếp. Vì vậy, sau khi bàn bạc với người thân, chúng tôi đã đi đến thống nhất hiến đất và toàn bộ công trình trên đất”.
Ông Nguyễn Hồng Thái, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Đồng Xoài, cho biết thêm, thời gian qua đã có hàng trăm hộ dân trên địa bàn thành phố tự nguyện hiến đất, công trình trên đất trị giá hàng trăm tỷ đồng để nhà nước làm đường giao thông theo quy hoạch. Để tạo sự đồng thuận, ngoài quy định về quyền lợi của người dân, thành phố đã công khai đồ án quy hoạch, cắm mốc ngoài thực địa để người dân biết vị trí tuyến đường, vị trí đất hiến và đất tiếp giáp đường của mình, từ đó thấy rõ lợi ích được hưởng. Nhờ đó, ngày càng có thêm nhiều tuyến đường được mở rộng theo quy hoạch để cải thiện bộ mặt đô thị.