Vì tương lai của cộng đồng
Gần 20 năm, con đường liên thôn tại xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã xuống cấp hư hỏng. Tại thôn Mỹ Sơn (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), chiều rộng của con đường chỉ khoảng 2,5m nên các phương tiện như xe chở nông sản phục vụ sản xuất đều không thể đi vào các thôn…. Đặc biệt, nhiều trường hợp người dân đau ốm phải khiêng bộ ra cả km mới đến đường lớn bởi ngay cả xe cứu thương cũng không thể đi vào thôn.
Bà Trần Thị Minh (SN 1944, tổ 2 thôn Mỹ Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết, con đường này mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi, người dân đi lại khó khăn, nguy hiểm đặc biệt là trẻ nhỏ. Vì vậy mà gia đình bà sẵn sàng tháo dỡ, dù đó đất ruộng, vườn, tường rào, cây cối, công trình phụ, chuồng trại góp phần trang trải kinh tế gia đình.
“Quyết định hiến đất là một điều không dễ dàng đối với gia đình tôi, bởi ở nông thôn thì mảnh ruộng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Chúng tôi có thể trồng rau, nuôi gà trên mảnh đất này. Sau rồi nghĩ lại, làm đường giao thông trước tiên là mang lại lợi ích cho chính mình và những người dân sống ở nơi đây, cơ hội trao đổi các loại nông sản được dễ dàng hơn. Mình gương mẫu để tạo điều kiện cho đời con cháu mình”, bà Minh chia sẻ.
Mặc dù không phải là người dân hiến đất làm đường, thế nhưng chiều nào bà Đỗ Thị An (trú tổ 2 thôn Mỹ Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cùng nhiều người khác giúp đỡ công nhân làm đường dọn rác, kéo những cành cây chắn ngang lối đi đã được chặt bỏ.
“Có đường bê tông kiên cố, sạch sẽ, mọi người vui lắm. Vì vậy mà tranh thủ rảnh rỗi, tôi lại ra đây giúp công nhân dọn rác, dọn cỏ. Không có đất nên tôi góp công chỉ mong cho con đường sớm được hoàn thiện”, bà An tâm sự.
Tại tổ 4 thôn Sơn Phước (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), con đường ở đây chỉ mới làm mặt bằng thô, sắp tới sẽ đổ bê tông làm đường. Để có được hiện trạng như này, vợ chồng bà Hứa Thị Liệu (SN 1959) cho biết, chi bộ thôn cùng các đoàn thể xuống từng nhà tuyên truyền, phân tích để người dân hiểu được lợi ích thiết thực của việc làm đường.
“Tôi nghĩ rằng mỗi người nên có ý thức trong việc tham gia cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới, vì mục đích cuối cùng cũng chỉ là phục vụ cho nhân dân thuận tiện hơn, đời sống tốt hơn”, bà Liệu chia sẻ.
Tạo đồng thuận trong phong trào hiến đất
Nhận thấy sự cần thiết phải mở rộng con đường liên thôn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phục vụ cho việc phát triển kinh tế- văn hóa-xã hội địa phương, vào tháng 12-2020, UBND xã Hòa Ninh đã tổ chức cuộc họp với nhân dân 2 thôn Sơn Phước và Mỹ Sơn, phổ biến chủ trương nâng cấp mở rộng đường liên thôn theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Cả hai thôn có gần 600 hộ dân, trong đó gần 30 hộ dân liên quan trực tiếp đến dự án mở rộng con đường với chiều dài gần 800m, theo thiết kế được mở rộng từ 2m lên 5,5m.
Theo ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết, UBND xã đã thống nhất được với người dân nâng cấp mở rộng đường giao thông theo phương thức: nhà nước sẽ đầu tư nguyên vật liệu, nhân dân hiến đất, tự tháo dỡ các công trình như tường rào, cổng ngõ, dọn dẹp cây cối; người dân tự bầu ra tổ quản lý trong quá trình thi công con đường liên thôn và UBND xã sẽ vận động các mạnh thường quân đóng góp tiền để thuê nhân công.
“Chúng tôi đi từng nhà vận động phân tích những chủ trương quy định của nhà nước hiến đất mở đường, lợi ích khi tách thửa, các tiêu chí hạ tầng kèm theo bởi người dân nếu không nhận thấy được hiệu quả trong hiến đất thì nó sẽ ảnh hưởng đến vấn đề quản lý đất đai”, ông Thương chia sẻ.
Ngay trong những ngày cuối tháng 6-2021, công tác hiến đất và làm mặt bằng đã hoàn thành. Dự án nâng cấp mở rộng đường liên thôn đã được triển khai thi công, cùng với việc thi công con đường, UBND xã đã đề nghị các ngành liên quan như điện lực, cấp nước sinh hoạt cũng triển khai tu sửa, nâng cấp và quy hoạch lại hệ thống điện, nước phục vụ nhân dân ổn định trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang nhìn nhận, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai từ năm 2011. Trong đó, công tác tuyên truyền vận động người dân được triển khai khá bài bản, xuất phát điểm từ xã Hòa Phước, phong trào hiến đất làm đường nay đã lan tỏa nhiều xã trên địa bàn trong đó có xã Hòa Ninh,... tạo nên một phong trào. “Bởi nhiều người dân ý thức được chính hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới là xây dựng cho cộng đồng và cho chính bản thân gia đình nên nhiều cá nhân sẵn sàng hiến đất để làm đường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại tại địa phương cũng như tạo sức sống cảnh quan mới cho nông thôn. Những hành động đó luôn luôn được ghi nhận và tôn vinh”, ông Dũng chia sẻ. |