Tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, Big C, Vinmart… theo ghi nhận, dù đã đến giờ trưa nhưng lượt khách đến mua sắm rất ít. Song, hàng hóa dồi dào và có nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu mua sắm được các đơn vị tung ra thời điểm này.
Tại siêu thị Vinmart Đà Nẵng (Ngô Quyền, quận Sơn Trà), người dân ở vùng xanh ở quận Sơn Trà bắt đầu đi mua sắm trực tiếp từ ngày hôm nay (16-9).
Ông Trần Quốc Việt, Giám đốc siêu thị Vinmart Đà Nẵng, người dân có thẻ đi chợ có mã QR tần suất 3 ngày/ 1 lần mới có thể vào cửa. Đồng thời, đơn vị bố trí lượng hàng hóa gấp đôi so với những ngày trước và 100% nhân viên đi làm đảm bảo phục vụ kịp thời hàng hóa cho người dân.
Tại khu vực vùng vàng, hoạt động kinh doanh mua bán tại các chợ truyền thống khá dè dặt. Tuy nhiên, qua lớp khẩu trang, nhận thấy người bán lẫn người mua đều phấn khởi, vui mừng gặp lại nhau sau chuỗi ngày dài không được trực tiếp đến chợ.
Ghi nhận tại chợ Cồn (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu), đến trưa 16-9, có khoảng gần 200 người đi chợ trực tiếp, với 51 tiểu thương mở hàng.
Theo bà Nguyễn Thị Diên (SN 1986, trú phường Hải Châu 2, quận Hải Châu), gần 2 tháng, mới đi chợ lại, bà cảm thấy nhớ cảm giác khi gặp từng quầy hàng. Bà cũng mong sao địa phương giữ được vùng xanh để bà con được đi lại, trở về cuộc sống bình thường.
“Được đi chợ, tôi mừng lắm! Trước đó, tổ dân phố đi chợ giúp cũng tốt lắm, tổ trưởng nhiệt tình, nhanh nhẹn. Tuy nhiên, mình vẫn thích trực tiếp cầm đồ xăm soi, lựa theo ý của mình”, bà Diên tâm sự.
Mặc dù ngày 5-9, các cơ sở kinh doanh dịch vụ quán ăn được phép mở cửa, theo chị Lê Thị Huệ (SN 1989, chủ cơ sở cháo Huệ tại 46 Nguyễn Thị Định, quận Sơn Trà), vì nguồn hàng khá ít, có nguyên liệu không mua được, giá cả cao hơn so với trước, vì vậy khi TP Đà Nẵng nới lỏng lần 2 từ hôm nay (16-9), cơ sở của bà mở bán trở lại. Chỉ phục vụ bán mang về nên nhân viên “đứng quán” chỉ có 2 vợ chồng.
“Do phường nào ở phường đó, khách hàng cũng sẽ giảm, tôi chỉ chuẩn bị một nửa nguyên liệu so với bình thường. Gần 2 tháng nghỉ dịch, giờ mở lại cũng lo lắm. Hôm qua, tôi chỉ chuẩn bị hành lá, thịt, xương, chả đã sơ chế sẵn. Khi nào mở bán cho khách, tôi mới nấu”, chị Huệ tâm sự.
Theo bà Lê Thị Mỹ Châu, nhân viên cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng ở phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), TP Đà Nẵng cho phép cơ sở vật liệu xây dựng được hoạt động trở lại, nên mừng lắm. Dù ngày đầu mở bán trở lại, bà cũng dọn dẹp lại kho để vật liệu, cũng gửi thông báo mở lại đến những khách hàng quen biết từ trước.
Tại công trình Cải thiện môi trường nước phía Đông (quận Sơn Trà), đang hăng say làm việc, ông Lê Lĩnh (SN 1974, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết, khoảng tuần trước, công trình mới hoạt động trở lại, ông đi làm ở công trình, rồi gặp lúc dịch bệnh bùng phát, nên không về nhà được. Dịch bệnh ảnh hưởng đến tất cả mọi người, vợ ở quê nhà cũng thất nghiệp. Bây giờ, cuộc sống của gia đình đều trông cậy hết vào ông.
“Ngoài việc ăn ngủ tại chỗ, ngày thường, có thể vừa làm việc, vừa tán gẫu với nhau nhưng bây giờ phải hạn chế tiếp xúc, nói chuyện. Nhờ vậy, ai cũng tập trung vào công việc, tiến độ thi công rất tốt”, ông Lĩnh chia sẻ.
Sau gần 1 tháng áp dụng "ai ở đâu thì ở đó" để kiểm soát dịch, hiện chính quyền TP Đà Nẵng đang từng bước nới lỏng một số hoạt động ở các vùng xanh, trong đó cho phép người lao động ở các khu công nghiệp có thể trở lại làm việc đảm bảo "1 cung đường 2 điểm đi/đến".
Để bảo vệ an toàn cho công nhân, giữ vùng xanh trong sản xuất, bà Phan Thị Kiều Oanh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Vinatex Quốc tế (Khu Công nghệ Hòa Khánh, TP Đà Nẵng) cho biết, từ 16-7, công ty đã thực hiện “3 tại chỗ” để bảo vệ người lao động và duy trì sản xuất.
“Để giữ vùng xanh công xưởng, hiện tại công ty vẫn duy trì xét nghiệm 3 ngày 1 lần cho 50% lao động, 100% công nhân lao động đã tiêm vaccine Covid-19 mũi 1. "Chúng tôi có 500 công nhân thực hiện “3 tại chỗ" đến thời điểm này", bà Oanh chia sẻ.
Chủ trương của doanh nghiệp là cố gắng hết sức để đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của công nhân ở mức cao hơn hoặc bằng so với ở nhà. Các bữa ăn của công nhân được giao cho một công ty chuyên về thực phẩm phụ trách nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhằm đảm bảo sức khỏe cho công nhân trong thời gian thực hiện "3 tại chỗ", công đoàn đã bố trí hai sân cầu lông, lắp đặt thêm các máy tập thể dục.