Các công ty trên khắp châu Âu ngày càng cố gắng thu hút người mua sắm bằng cách giảm giá thực phẩm và các sản phẩm tiêu dùng khác. Tuy nhiên, các đợt giảm giá không thúc đẩy được doanh số như kế hoạch.
Theo các chuyên gia kinh tế, người tiêu dùng đã cắt giảm đáng kể chi tiêu sau nhiều tháng giá cả tăng. Trong báo cáo thu nhập gần đây nhất, các tập đoàn lớn đã báo cáo những dấu hiệu căng thẳng thực sự ở những người tiêu dùng có thu nhập thấp. Các nhà sản xuất sản phẩm có thương hiệu đã mất thị phần vào tay các mặt hàng thương hiệu nhỏ có giá cả phải chăng hơn trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Chi phí sinh hoạt tăng cao hiện là mối quan tâm cấp bách nhất của hơn 90% người dân EU, thể hiện qua chi tiêu tiêu dùng hộ gia đình tăng, như nhà ở (tiền thuê nhà), quần áo, điện, y tế và giao thông. Nhà ở, nước, điện, khí đốt và các nhiên liệu khác chiếm tỷ trọng lớn nhất trong mức tiêu dùng hộ gia đình tại EU vào năm 2022, chiếm 24,1%.
Sự gia tăng này nhấn mạnh gánh nặng tài chính của các chi phí sinh hoạt thiết yếu đối với các hộ gia đình. Các quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga đã chứng kiến mức tăng giá năng lượng lớn nhất trong những năm gần đây.
Ở một số quốc gia, mức tăng rõ rệt hơn, vượt quá 5%. Trong giai đoạn 2002-2022, Ireland chứng kiến mức tăng đáng kể nhất với 7,1%, tiếp theo là Tây Ban Nha và Italy lần lượt là 6,3% và 5,4%. Chi phí nhà ở ảnh hưởng nặng nề nhất đến các hộ gia đình có thu nhập thấp. Đối với công chúng châu Âu, tác động của lạm phát vẫn rất thực tế.
Bà Maria, 63 tuổi, làm tạp vụ ở Athens, Hy Lạp nói: “Tôi từng mua phô mai feta với giá 7-8 EUR/kg, giờ là 14EUR”. Giá tăng mạnh buộc bà Maria phải săn lùng các chương trình khuyến mãi đặc biệt tại nhiều nơi. Tương tự, nhiều người Hy Lạp đã thay đổi thói quen mua sắm vì lạm phát cao và chuyển sang thói quen mới, đó là đi khắp thành phố để tìm kiếm những món hời.
Hay ở Pháp, ông Frédéric, kế toán sống gần Paris, cũng bị ảnh hưởng bởi giá cả cao. Theo ông, “hóa đơn tiền gas và điện của tôi đã tăng tới 35%”. Ông Frédéric bắt đầu theo dõi chi tiêu chặt chẽ hơn và nhận thấy chi tiêu cho thực phẩm và tiện ích tăng nhiều nhất.
Sự gia tăng chung về chi tiêu cho nhà ở và tiện ích trong 2 thập niên qua cho thấy những chi phí này đã trở thành một phần đáng kể trong ngân sách hộ gia đình, phản ánh áp lực kinh tế rộng hơn và sự thay đổi về chi phí sinh hoạt trên khắp EU.
Một báo cáo gần đây về nhà ở giá rẻ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhấn mạnh rằng, chi phí nhà ở có thể trở thành gánh nặng tài chính lớn cho các hộ gia đình, đặc biệt đối với những hộ có thu nhập thấp. Tỷ lệ gánh nặng chi phí nhà ở cao đặc biệt đáng báo động trong số các nền kinh tế hàng đầu châu Âu.