TPHCM: Gần 60.000 lượt người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất
Trong 2 ngày cử hành lễ viếng, có hơn 3.823 đoàn với gần 60.000 lượt người đến Hội trường Thống Nhất viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó có 64 đoàn khách quốc tế.
Thay mặt Ban Tổ chức Lễ viếng và Lễ truy điệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Ban, gửi lời cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan, tổ chức, các lực lượng, nhân dân TPHCM và các tỉnh, thành phố đã dành tình cảm, tham gia phục vụ để Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất được đảm bảo, người dân vào viếng thuận lợi. Đồng chí Phan Văn Mãi mong nhận được sự lượng thứ của các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan, tổ chức, các lực lượng và bà con nhân dân, nếu có điều gì thiếu sót trong quá trình tổ chức lễ viếng.
Đúng 7 giờ sáng, bộ phận điều phối hướng dẫn người dân trật tự đi vào Hội trường Thống Nhất, kiểm tra an ninh và vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sáng 26-7, Lễ viếng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội); tại quê nhà đồng chí ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội và tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM).
Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13 giờ ngày 26-7, tại Nhà tang lễ Quốc gia. Lễ an táng diễn ra lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội.
Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM) và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Đi cùng con gái từ 3 giờ sáng đến Hội trường Thống Nhất, bà Trần Thị Kim Hiến (68 tuổi, ngụ phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TPHCM) bày tỏ sự xúc động, lòng thành kính trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bà Hiến cho biết, bà bị suy tim nên hơi mệt, bà được bộ phận điều phối tại Hội trường Thống Nhất hỗ trợ xe lăn để tiện vào viếng.
Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, bà Hiến và con gái đặt hoa và di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để gia đình tưởng niệm. Bà Hiến cho biết rất ấm lòng khi thấy tình cảm của mọi người dành cho người lãnh đạo hết lòng vì nhân dân mà bà rất kính yêu.
Nhiều người trẻ bày tỏ sự ngưỡng mộ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tại TPHCM, Lễ viếng đầu giờ sáng hôm nay phần lớn là các đoàn nhân dân, trong đó đa phần là người trẻ. Có những bạn trẻ đi theo đơn vị trường học, có những bạn đi viếng theo cá nhân.
Nguyễn Ngọc Kim Hằng, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM cho biết đến Hội trường Thống Nhất từ rất sớm để xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dù phải đợi rất lâu mới được qua cổng an ninh nhưng ai nấy đều kiên nhẫn, chỉ một lòng mong ngóng được cúi đầu trước di ảnh của bác để tưởng niệm, tiễn biệt người lãnh đạo yêu quý. Kim Hằng cho biết thêm, từ hôm qua trời đã mưa rất lâu khiến em càng tin câu nói “người tuôn nước mắt trời tuôn mưa”.
Mấy chục cuốn sổ tang hôm qua đã được viết kín những dòng cảm xúc dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đầu giờ sáng hôm nay (26-7), Ban Tổ chức chuẩn bị những cuốn mới để cán bộ, đảng viên, nhân dân TPHCM và các tỉnh, thành phố lân cận tiếp tục lưu lại những dòng cảm xúc dành cho vị lãnh đạo kính yêu.
Viết trong sổ tang, bạn trẻ Ngô Hữu Phước bày tỏ: “Biết tin bác mất, con đã rất buồn. Hình ảnh của bác đã in sâu vào tuổi thơ của con, con cảm nhận được ở bác sự gần gũi và thân thuộc. Những bài phát biểu của bác khiến con ấn tượng vì câu từ rất sâu sắc. Vậy là từ bây giờ, hình ảnh của bác với nụ cười hiền hậu cùng mái tóc bạc phơ sẽ chỉ còn nằm trong trái tim của mọi người”.
Chung nỗi niềm với gia quyến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Hữu Phước luôn nhớ đến hình ảnh gần gũi, giản dị của Tổng Bí thư và phu nhân Ngô Thị Mận. “Con đã từng ấn tượng với hình ảnh của bác và bác Mận khi đứng cạnh ông Tập Cận Bình và vợ. Con bất ngờ với hình ảnh giản dị, gần gũi của bác Mận lúc đó. Một vẻ đẹp rất riêng của người phụ nữ Việt Nam. Ngày hôm nay, khi nhìn thấy hình ảnh đau buồn của bác Mận thật sự con không kìm được. Thương người ra đi, thương cả người ở lại”, Ngô Hữu Phước xúc động viết.
Nắn nót từng dòng chữ trong sổ tang, bạn trẻ Quế Ngọc xúc động: “Ngày hôm nay là ngày cuối bác ở lại với nhân dân, đồng bào, bác ơi! Những ngày sau này bác vẫn sẽ mãi ở đây và sống mãi trong tim của hơn một trăm triệu người dân Việt Nam”. Quế Ngọc khẳng định sẽ luôn soi vào tấm gương sáng ngời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để rèn luyện bản thân.
Sáng sớm 26-7, khi con đường Lê Duẩn dẫn đến Hội trường Thống Nhất vẫn còn chưa sáng rõ, người dân tại TPHCM với trang phục đen, trắng chỉnh tề đã có mặt trước cổng Hội trường Thống Nhất để chờ được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại một góc công viên 23-9, anh Nguyễn Phúc Duy cầm trên tay chiếc đèn hoa đăng hình bông sen, xúc động cho biết: “Hôm qua đến gần nửa đêm tôi mới về đến TPHCM và có chạy đến đây với hy vọng kịp viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng khi tôi đến thì đã hết giờ viếng. Sáng nay tôi đến thật sớm với mong muốn được vào thắp nén nhang kính tiễn người lãnh đạo liêm chính mà cả gia đình tôi ngưỡng mộ”.
Ôm trên tay khung ảnh có hình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng bài thơ do mình sáng tác, bà Nguyễn Thị Tuyết (66 tuổi, ngụ TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương) cho biết, bà xuất phát từ 3 giờ 30 sáng nay và có mặt tại Hội trường Thống Nhất lúc 5 giờ sáng. “Bài thơ này tôi hoàn thành vào 23 giờ hôm qua để sáng nay kịp mang đến lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tiễn đồng chí lần cuối cùng. Tôi thường xuyên viết văn, thỉnh thoảng làm thơ. Tôi làm bài thơ này trong vỏn vẹn 10 phút, không theo luật gì hết, tự do nhưng đó là tất cả cảm xúc thật của tôi”, bà Tuyết chia sẻ.
Theo bà Tuyết, chồng bà cũng thường xuyên làm thơ, là người yêu thơ nhưng ông không sửa cho bà bài thơ này vì chồng bà nói đây là cảm xúc chân thành nhất của bà dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. “Tôi biết và hiểu rõ về cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mặc dù ốm, nằm ở bệnh viện nhưng đến hơi thở cuối cùng đồng chí vẫn làm việc, vẫn nghĩ đến quê hương, đất nước, dân tộc mình. Bằng sự ngưỡng mộ người lãnh đạo có đức, có tài nên tôi làm bài thơ này”, bà nói.
Bà Tuyết cho biết, bằng những việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm cho Đảng, cho đất nước và nhân dân thì bà tin không chỉ riêng gia đình bà mà tất cả mọi người sẽ học tập theo tấm gương của đồng chí để tô điểm, góp phần làm đẹp quê hương, đất nước.