Anh Trần Văn Ngọc (36 tuổi, ngụ ấp Đường Bào) đang cùng bạn của mình kéo ruốc ở gần một ghềnh đá thì thấy một nhóm khác người xách lưới, người xách thùng bước xuống bờ biển. Nhóm này đang ngơ ngác thì anh Ngọc liền gọi to: “Phía bên kia kìa, chổ đỏ lòm đó, ruốc nhiều lắm, xuống mà vớt”.
Anh Ngọc cho biết, mấy ngày nay ruốc nhiều lắm, vớt nhiều buôn bán cũng chẳng được bao nhiêu tiền, thôi thì chỉ cho người ta vớt cùng cho vui. Để vớt được ruốc, bộ đồ nghề cũng khá đơn giản, chỉ là tấm lưới (loại mịn), kích thước chừng 2mx5m là đủ, hai đầu có hai thanh gỗ để hai người cầm như cầm cán. Xuống biển, nhìn trên mặt nước chỗ nào có vệt màu đỏ, thì hai người cầm hai đầu mảnh lưới bao lại, rồi kéo lên.
Theo cư dân lâu đời ở Phú Quốc, hàng năm ruốc đều tấp vô bờ phía Tây của đảo, nhưng năm nay số lượng nhiều bất thường. Dù không biết vì sao nhưng mọi người coi như đây là món quà tự nhiên trời cho, nên ai cũng rủ nhau vớt mỗi người một ít. Lúc đầu, 1kg ruốc bán được hơn 10.000 đồng, nhưng giờ nhiều quá nên ai rảnh thì đi vớt rồi về chia cho hàng xóm. Ruốc là nguyên liệu làm nên món đặc sản mắm ruốc nổi tiếng của Phú Quốc và nhiều địa phương của đất Nam bộ.
Ruốc vô bờ, kéo theo cá sòng, cá trích vô tìm thức ăn. Cá sòng thường được dân đảo ướp muối ớt hoặc rửa sạch bằng nước biển rồi đem nướng. Cá trích thì làm gỏi (tái chanh) với nước chấm đặc trưng là nước mắm ngon được pha chua ngọt, ăn kèm với rau rừng, dừa nạo. Gỏi cá trích cũng là một món đặc sản mà du khách tới Phú Quốc không thể bỏ qua.