Từ 7 đến 9 giờ sáng 30-7, chợ Hàn, chợ Cồn đông bất thường. Người dân mua nhiều thực phẩm như: trứng gà, thịt, cá, rau củ quả... Đến khoảng 10 giờ, chợ thưa người. Tuy nhiên, lương thực, thực phẩm không khan hiếm, sức mua tăng mạnh nhưng không hết hàng.
Tại chợ Hàn, bà Trần Thị Năm (63 tuổi, người dân trú tại phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) vừa hối hả đi mua cá cho biết, lúc 9 giờ sáng nay, bà đến chợ Tân Chính (quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) thì hàng cá tươi đã hết, hàng rau bán hết một phần.
“Người bán nói tôi biết người dân đổ xô đến đây để mua hàng cá và rau tươi lúc sáng sớm. Bây giờ, hàng cá hầu như đã dọn sạch, rau chỉ còn lác đác vài loại”, bà Trần Thị Năm cho biết.
Bà Thanh Tâm, tiểu thương kinh doanh hàng thịt, lô 45, đình 9, chợ Cồn cho biết, nhiều người dân sáng nay mua hàng rồi hỏi tôi rằng: "chợ có đóng cửa hay không?". “Họ sợ đóng cửa chợ nên đổ xô đi mua đồ về ăn và tích trữ. Tôi vẫn bán hàng bình thường, thành phố Đà Nẵng vẫn cho hoạt động nên mai tôi vẫn nhập hàng về bán. Chỉ sợ như lần trước thì ngày mai lại ế”, bà Tâm chia sẻ.
Tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, lượng người đến mua tăng đột biến, mặt hàng mua chủ yếu là thực phẩm tươi sống, đồ hộp, rau củ quả, có tình trạng tích trữ. Mặc dù được thông tin là chợ, siêu thị không đóng cửa, tuy nhiên nhiều người tiêu dùng cho biết cứ mua về tích trữ.
Ông Phan Thống, Giám đốc siêu thị Coopmart Đà Nẵng cho biết, do đêm qua, lượng người mua hàng tăng nhiều nên sáng nay, siêu thị đã tăng gấp 3 lần lượng trái cây, rau củ quả, tuy nhiên, do sức mua tăng đột biến nên một vài thực phẩm cục bộ hết hàng.
“Hàng về liên tục, siêu thị cam kết không tăng giá. Hàng không bị đứt đoạn. Sáng mai, hàng sẽ về ngập kệ”, ông Thống cho biết.
Theo ông Trần Quốc Việt, Giám đốc Siêu thị Vinmart Đà Nẵng, siêu thị tư vấn cho người dân dịch vụ “đi chợ hộ” qua hotline. “Chúng tôi đã gửi 50.000 tin nhắn SMS qua khách hàng thông báo siêu thị vẫn mở cửa bình thường và chúng tôi hỗ trợ khách hàng mua hàng, giao hàng tận nơi miễn phí. Vì vậy, người dân không nên mua hàng tích trữ”, ông Việt nói.
Trước tình hình trên, Sở Công thương Đà Nẵng có văn bản gửi công văn số 1355 đến các đơn vị liên quan thông báo dừng việc kinh doanh tại các cửa hàng ăn uống, giải khát kể cả bán hàng qua mạng, bán hàng mang về; thời gian thực hiện bắt đầu từ 13 giờ ngày 30-7. Đồng thời, tổ chức quán triệt, tích cực tuyên truyền, khuyến cáo người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không nên mua tích trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm với số lượng lớn.
Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho hay, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hoá, các đơn vị cung cấp suất ăn, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm vẫn hoạt động bình thường. Sở đã có kế hoạch chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hoá thiết yếu để phục vụ nhu cầu người dân chủ động, thường xuyên, liên tục với nguồn dự trữ dồi dào, phong phú, được quản lý theo chuỗi cung ứng trên toàn quốc với các tổng kho ở khu vực miền Trung, miền Bắc và miền Nam, bảo đảm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
“Người dân không nên tích trữ hàng hóa. Giao thông thông suốt, hàng hóa không bị đứt đoạn, sẽ về hàng ngày. Chợ, siêu thị vẫn hoạt động bình thường, không có chuyện đóng cửa. Chỉ đóng cửa những ngành hàng không cần thiết, cửa hàng bán đồ ăn sẵn, giải khát”, ông Bắc khẳng định.
Bên cạnh đó, Sở Công thương Đà Nẵng đề nghị Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, các bquản lý chợ quận, huyện có phương án sắp xếp, bố trí trong việc giao nhận, mua bán hàng hoá hợp lý, không tập trung đông người; các tiểu thương và người dân tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Đặc biệt đối với chợ đầu mối Hòa Cường, sở giao trách nhiệm cho Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với lực lượng công an, y tế và chính quyền địa phương thành lập chốt kiểm soát, tập trung kiểm tra bắt đầu thời điểm từ 2 giờ sáng trở đi; thực hiện các biện pháp phân bổ hàng hoá, sang xe ngay khu vực bên ngoài chợ, không tập trung đông người và đề nghị tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Mặt khác, sở đề nghị công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng sẽ tiếp tục đảm bảo cung cấp điện ổn định cho thành phố Đà Nẵng để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là các cơ sở được dùng để cách ly, khám, khám chữa bệnh tập trung, xét nghiệm, điều trị, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dân sinh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Sở Công thương Đà Nẵng yêu cầu các trung tâm thương mại, siêu thị, chủ cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, đơn vị cung cấp suất ăn, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cũng như các đơn vị sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xây dựng kế hoạch cân đối, dự trữ hàng hóa và đảm bảo cung cấp đủ số lượng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế, hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân; tuyệt đối không được găm hàng, đầu cơ, tăng giá gây bất ổn thị trường.