Người dân đổ xô tích trữ thực phẩm
Ngay sau thông tin tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 (sáng 12-8) là TP Đà Nẵng dự kiến thực hiện quyết liệt “ai ở đâu, ở yên đó”, rất nhiều người dân đã tìm cách mua sắm tích trữ thực phẩm đề phòng trường hợp giãn cách chặt.
Theo ghi nhận, tại chợ Đống Đa (quận Hải Châu), lực lượng chức năng vất vả điều tiết lượng người ra vào quá đông. Bà Trần Thị Chín, tiểu thương quầy rau củ tại chợ Đống Đa cho biết, đã bán hết hàng lúc 10 giờ 30 phút sáng nay vì nhu cầu người mua quá lớn, gấp mấy lần ngày thường.
Tại các sạp rau còn lại, lượng người tập trung tranh mua rất đông, không đảm bảo giãn cách. Tương tự, tại hàng thịt và hàng thủy sản, rất nhiều quầy đã bán hết sạch sau 10 giờ sáng.
Tại siêu thị MM Mega (đường Cách mạng Tháng 8, quận Cẩm Lệ), rất đông người và ô tô đứng chờ trước cổng để tới lượt mua hàng sau khi siêu thị này đóng cổng vì lượng người đến quá đông, không đảm bảo an toàn giãn cách. Chỉ khi khách mua sắm xong, bảo vệ mới mở cửa ở lối vào để nhận lượt người mua sắm khác. Người dân có thể đứng chờ tới hơn 30 phút để vào cửa mua sắm.
Bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc Siêu thị Big C Đà Nẵng (quận Hải Châu) cho biết, từ 9 giờ, lượng khách bắt đầu tăng đột biến. Tính đến thời điểm này, lượng khách đến siêu thị đã gấp đôi ngày hôm qua. Vì lượng khách tăng nhanh, nhân viên châm hàng không kịp dẫn đến việc khan hàng tại các quầy hàng như rau củ quả tươi, thịt... Các mặt hàng rau xanh, thịt cá, thực phảm đông lạnh và sữa, đồ khô, mì gói đều có kho của nhà cung cấp tại chỗ, không lo đứt gãy hàng hóa.
Ngày 12-8, điểm bán hàng lưu động đầu tiên do Sở Công thương tổ chức được mở bán tại số 51 đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà). Đây là điểm bán đầu tiên do Công ty TNHH Đắc Vinh phụ trách. Tại điểm bán này có đầy đủ các mặt hàng rau, thịt, cá, thực phẩm khô… Người dân có thể đến mua sắm hàng thiết yếu với giá tốt.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Sơn Trà cho biết, để bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa liên tục, kịp thời cho người dân tại các khu vực cách ly y tế, quận đã làm việc với Sở Công thương đề nghị hỗ trợ triển khai các điểm bán hàng lưu động, xe bán hàng lưu động cho người dân tại 5 phường.
Đẩy nhanh công tác tiêm chủng diện rộng
Chỉ trong 31 ngày (từ ngày 10-7 đến 11-8), Đà Nẵng đã ghi nhận 1.473 ca Covid-19 với biến thể Delta. Đây là biến thể lây lan nhanh, nhiều trường hợp phát bệnh trong 2 ngày, số ca nặng tăng lên rất nhiều, thậm chí có trường hợp rất trẻ mắc bệnh từ mức độ nhẹ, không triệu chứng, chuyển sang nặng và tử vong rất nhanh.
Tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng khóa X (sáng 12-8), bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, TP Đà Nẵng phát sinh thêm chuỗi lây nhiễm mới rất phức tạp tại chợ đầu mối Hòa Cường khi 6 người buôn bán tại chợ dương tính với SARS-CoV-2. Đây gần như là nơi cung cấp lương thực thực phẩm chính của địa bàn.
Hiện Đà Nẵng có khoảng 2.500 giường cho bệnh nhân với khoảng 300 giường hồi sức, có đầy đủ các điều kiện cho bệnh nhân thở như sử dụng các biện pháp máy, lọc máu, ECMO và hệ thống khí nén oxy cho 300 giường này. TP Đà Nẵng chỉ phục vụ được tối đa 6.000 bệnh nhân.
“Nếu bệnh nhân tăng tỷ lệ 5% một ngày, thì chúng ta chỉ có thể phục vụ tối đa 6.000 bệnh nhân, nếu số bệnh nhân hơn thì chắc chắn ngành y tế sẽ quá tải. Chính vì vậy, việc kiểm soát dịch bệnh là vô cùng quan trọng”, bà Yến cho biết.
Vì vậy, theo bà Yến, cần thực hiện giãn cách một cách thực chất “ai ở đâu thì ở yên đó” và điều này cần sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, giám sát mạnh mẽ, liên tục nhắc nhở người dân.
Bên cạnh đó, bà Yến cũng cho rằng việc tách được nguồn lây, bằng cách xét nghiệm thần tốc để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng là vô cùng quan trọng. Thực hiện giãn cách xã hội để hạn chế tối đa việc lây lan, như thực hiện 5K, phong tỏa, cách ly… Tất cả các biện pháp đó phải thực hiện rất đồng bộ, cần sự phối hợp của các quận huyện, với tinh thần quyết liệt nhất, mạnh mẽ nhất.
Đối với công tác tiêm chủng, để triển khai chiến dịch tiêm vaccine diện rộng, TP Đà Nẵng thiết lập 10 điểm tiêm, với 100 đội tiêm. Theo quy định trước đây, mỗi bàn tiêm không quá 200 mũi/ngày. Tuy nhiên, để nhanh chóng đạt tiến độ bao phủ miễn dịch cộng đồng, mới đây Bộ Y tế có thông báo không khống chế số lượng trong một điểm tiêm. Song song đó, Bộ Y tế cho phép tổ chức tiêm tại điểm cố định và lưu động, trong đó những khu vực cách ly, vùng phong tỏa, có thể tổ chức đến tiêm tận nơi.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, vaccine được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả. TP Đà Nẵng đã triển khai 4 đợt tiêm vaccine, đến nay có 60.000 người được tiêm (chiếm 5% trên tổng dân số TP Đà Nẵng), trong đó có 6.975 người đã được tiêm 2 mũi vaccine. Với vị trí trung tâm của khu vực, nên Đà Nẵng luôn có nguy cơ và thực tế luôn là một trong những tâm dịch của cả nước.
“TP Đà Nẵng đã chủ động kiến nghị với Chính phủ tăng lượng phân bổ vaccine để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho người dân toàn thành phố. Đà Nẵng cam kết sẽ thực hiện tiêm chủng nhanh nhất khi nhận đủ số lượng vaccine phòng Covid-19 (là 20.000 người/ngày) và đúng đối tượng”, ông Chinh cam kết.