Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, nhiều ý kiến chuyên gia, cựu lãnh đạo đã bày tỏ lo ngại bởi cách làm phù điêu của Bình Định thiếu khả thi, khó thực hiện, “chơi sang”, gây lãng phí.
Không khả thi
Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy này về công trình phù điêu, chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết” (viết tắt: phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ), tạc thẳng vào vách núi Bà Hỏa, đoạn giao nhau giữa đường Võ Nguyên Giáp - Đống Đa - Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn. Công trình có chiều dài 80m, cao 36m, diện tích khoảng 25.000m2, kinh phí trên 86 tỷ đồng… Bức phù điêu được tạc thành 3 lớp, khắc họa hình tượng Lạc Long Quân - Âu Cơ, 18 vị vua Hùng và các nhân vật đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam (mỗi dân tộc khắc họa 1 nam và 1 nữ); tổng cộng có 128 nhân vật, hình tượng… Phương án thực hiện là cắt, đục sâu vào vách núi Bà Hỏa hình cánh cung từ 10-25m, để tạc thẳng phù điêu vào vách núi tự nhiên.
Ông Trần Văn Thảo, Trưởng Liên đoàn Địa chất Trung Trung bộ - đơn vị trước đó được Sở VH-TT Bình Định thuê khảo sát, thăm dò công trình này, cho biết, quá trình khảo sát, đơn vị này phát hiện ở núi Bà Hỏa chủ yếu là đá trầm tích, đá cát bột kết, độ dốc tương đối lớn; có một số khe nứt sâu vào vách núi, mức độ ảnh hưởng công trình không lớn…
Tuy nhiên, khi các thông tin về công trình phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ” được công khai rộng rãi, đã gặp phải làn sóng phản đối rất kịch liệt từ dư luận người dân, giới chuyên môn… Một cựu kỹ sư địa - vật lý sống tại TP Quy Nhơn khẳng định: “Ở núi Bà Hỏa không có thạch anh và cũng không có đá granite. Ở đây chỉ có đá núi lửa phun trào, trầm tích phun trào, đá mắc ma xâm thực, trung tính phun trào. Những loại đá này không bền vững, khó thực hiện công trình điêu khắc…”.
Nhà điêu khắc Giang Minh Hoàng (sống tại TP Quy Nhơn) nêu quan điểm: “Phương án tạc thẳng tác phẩm phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ” vào vách núi Bà Hỏa là không khả thi. Bởi, khối đá ở núi Bà Hỏa đã gặp nhiều biến cố như: đào, xẻ, nổ bom để phá dỡ làm các công trình giao thông, đường sá… nên bị rạn nứt, chấn động; núi có nhiều mạch nước ngầm sẽ hủy hoại công trình phù điêu. Ngoài ra, núi Bà Hỏa có hệ đá điệp trắng thấm nước, không có tính liên kết cao, nếu tạc 1 lần đến 128 nhân vật, hình tượng to nhỏ như thế sẽ không được. Chưa kể, có nhiều chi tiết rất nhỏ, như: trang phục, tay chân… Từ đó, theo tôi không nên làm công trình gần cả trăm tỷ đồng như thế, sẽ gây lãng phí”.
Chưa phải lúc “chơi sang”
Ông Đào Quý Tiêu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Bình Định, trình bày: Trước mắt, tỉnh nên ưu tiên tất cả các không gian, diện tích để giải quyết, chống ùn tắc giao thông trước đã. Đây không chỉ là nhiệm vụ trước mắt, mà còn lâu dài 10 năm, 20 năm. Bởi, vị trí đặt bức phù điêu nằm ngay nút “cổ chai” về giao thông ra vào TP Quy Nhơn. Thế nên, cần ưu tiên gỡ nút thắt giao thông để tránh sau này trở nên hỗn loạn, bế tắc, kìm hãm phát triển. Ngoài ra, tỉnh cũng nên xem xét xây dựng ở đây một công trình cô đọng hơn, tránh rườm rà chi tiết, rối mắt người tham gia giao thông.
Mới đây, Bình Định đã tổ chức gặp mặt để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của 6 cựu lãnh đạo địa phương này về công trình phù điêu trên. Đa số các cựu lãnh đạo đều trân trọng ý tưởng xây dựng bức phù điêu vách núi độc đáo, nhằm tri ân cội nguồn, giống nòi Rồng - Tiên của các vị lãnh đạo đương nhiệm. Tuy nhiên, các bậc lãnh đạo “tiền bối” đã thẳng thắn chỉ ra nhiều bất cập của công trình, đặt ra nhiều mối lo ngại về ý tưởng chủ đề, kinh phí, bối cảnh xây dựng phù điêu…
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Vũ Hoàng Hà cho biết, khi đã có một quy hoạch giao thông mang tầm chiến lược, nếu lãnh đạo đương nhiệm vẫn quyết tâm làm phù điêu vách núi thì nên lấy ý kiến rộng rãi của giới chuyên môn về địa chất, khoáng sản, mỹ thuật, văn hóa lịch sử, điêu khắc và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Khi nào dân thống nhất, đồng tình cao thì mới làm. Đặc biệt, nên suy nghĩ rằng, tiền xã hội hóa cũng là tiền của nhân dân đóng góp, phải đưa vào quản lý thuộc ngân sách nhà nước, không vì thế mà lãng phí, muốn chi sao cũng được. “Đã làm thì phải chất lượng để muôn đời, chứ làm kiểu hời hợt sau này đổ bể ra thì rất khó giải thích với nhân dân”, ông Hà nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tấn Hiểu (cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cựu Bí thư Thành ủy Quy Nhơn), cho biết: Địa phương nên ưu tiên hoàn thiện các tín hiệu đèn, biển báo giao thông hài hòa, hiện đại ở nút giao thông này. Có thể ưu tiên phát triển cầu vượt hoặc đường hầm càng tốt. Ngoài ra, với công trình lớn như thế thì sẽ vượt kinh phí dự kiến là 86 tỷ đồng. Cần phải tính toán thận trọng, bởi ở đây có cả tiền ngân sách hơn 34 tỷ đồng, kể cả tiền xã hội hóa cũng do nhân dân đóng góp, vì vậy không nên chi sao cũng được.
Trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khẳng định công trình phù điêu vách núi “Lạc Long Quân - Âu Cơ” đang trong giai đoạn nghiên cứu, thăm dò lấy ý kiến cộng đồng, chưa chốt phương án cụ thể. Quan điểm của địa phương sẽ không làm nóng vội mà tranh thủ lấy ý kiến thống nhất của nhân dân. Khi nào nhân dân thống nhất cao thì tỉnh mới triển khai xây dựng công trình. Trước mắt, địa phương vẫn đang tập trung ngân sách để cải tạo nút giao thông ngã 6 - cửa ngõ TP Quy Nhơn mở ra khu kinh tế Nhơn Hội.