Chủ động ứng phó
Từ khi TPHCM nới lỏng giãn cách, các cơ sở kinh doanh hoạt động trở lại và phục vụ ăn uống tại chỗ, ông Dương Ngọc Tuấn (cư dân chung cư Sky 9, TP Thủ Đức) dành thời gian đi uống cà phê buổi sáng và tập gym mỗi chiều để rèn luyện sức khỏe. Bản thân bị huyết áp cao nên ông Tuấn luôn cẩn trọng, chọn những địa điểm thoáng đãng, ít người. Trước thông tin về biến thể mới Omicron, tốc độ lây lan gấp nhiều lần so với các biến thể hiện nay, ông Tuấn quyết định uống cà phê tại nhà, chọn chạy bộ để hạn chế tối đa việc tiếp xúc.
“Tôi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, luôn ý thức 5K nhưng vẫn thận trọng trước diễn biến mới của dịch bệnh để bảo vệ mình và cộng đồng”, ông Tuấn bày tỏ.
Gần 2 tháng nay, từ khi mở cửa buôn bán trở lại, chiều nào sau khi dọn hàng để đóng cửa tiệm, vợ chồng bà Trần Thị An (đường Đỗ Xuân Hợp, TP Thủ Đức) cũng xịt khuẩn bàn ghế và không gian trong quán. Việc vệ sinh quán đã thành thói quen, được bà áp dụng từ khi mở cửa hoạt động trở lại. Trong quán phở, bà kê số bàn ghế chỉ 50% so với trước, theo đúng quy định.
“Từ bữa đọc báo thấy có biến thể mới, vợ chồng tôi quyết định dẹp bớt bàn, kê bàn ghế giãn cách cho an tâm. Chứ dịch bùng phát nữa thì cả xã hội đều khổ”, bà An cho biết.
Trải qua những tháng ngày chống dịch, người dân TPHCM và cả nước đã quen với các biện pháp ứng phó dịch bệnh. Ra đường, hầu như mọi người đều tuân thủ nghiêm ngặt đeo khẩu trang, còn hàng quán thì giãn cách bàn ghế để thông thoáng. Trước thông tin lây lan siêu nhanh của biến thể mới, những ngày qua tâm lý người dân tuy có lo nhưng không hoang mang, hốt hoảng.
“Quan trọng vẫn là ý thức của mỗi người dân, chứ đâu thể cứ có biến thể mới lại đóng cửa thành phố được. Nếu ai cũng tự giác tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch, không tụ tập khi không cần thiết, tiêm đủ các mũi vaccine sẽ góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh”, ông Trần Hữu Tài (quận 3) chia sẻ.
Nâng cao ý thức, tiêm ngừa đầy đủ
Gia đình ông Thái Kim Long có cửa hàng bán bánh cuốn nhỏ buổi sáng trước hẻm nhà tại quận Tân Phú. Khi thành phố cho phép buôn bán trở lại, vợ chồng ông vẫn chưa phục vụ trực tiếp. Để đảm bảo an toàn, ông kéo một sợi dây căng ngang trước quán để người mua và người bán đảm bảo khoảng cách an toàn. “Ban đầu cũng có nhiều khách than phiền vì không được ăn tại chỗ, nhưng vì an toàn, tôi vẫn chỉ bán mang đi”, ông Long cho biết.
Dự định đưa con gái học lớp 4 (hiện đang gửi ở Bến Tre với ông bà ngoại) lên TPHCM để khi học trực tiếp sẽ không cập rập, nhưng khi thấy biến thể mới đã xâm nhập vào Singapore Malaysia, Nga, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (quận Bình Thạnh) tạm hoãn lại.
Theo chị Hạnh, vợ chồng chị đã được tiêm vaccine 2 mũi, nhưng con thì chưa đến tuổi được tiêm. Vợ chồng chị ở nhà trọ chật hẹp, chồng làm công nhân ở nhà máy, chị buôn bán hàng ăn nên thường tiếp xúc nhiều người. Dù có kiến thức phòng chống dịch, nhưng chị Hạnh ráng chờ thêm thời gian nữa, nếu trường có lịch đi học thì mới đón con lên cho an toàn.
Hiện TPHCM đã kích hoạt nhiều quy trình xử lý, phòng chống dịch. Trong đó, ngoài tăng cường, giám sát quản lý người nhập cảnh, các bệnh viện đã củng cố và chuyển đổi khu cách ly thành nơi tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19. TP Thủ Đức và các quận, huyện đã và đang chuẩn bị kích hoạt lại bệnh viện điều trị Covid-19; kích hoạt lại các trạm y tế lưu động.
Cùng với đó, nhiều địa phương đã huy động lực lượng tái thiết lập tổ phản ứng nhanh, trạm y tế lưu động khu phố. Tính đến ngày 5-12, hơn 7,92 triệu người ở TPHCM đã tiêm mũi 1, trong đó gần 6,82 triệu người tiêm đủ 2 mũi.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết, dù biến thể nào thì lơ là, chủ quan là thua cuộc. Trong khi quy luật sinh học, virus càng thuần với con người sẽ càng lây lan nhanh nhưng độc tính sẽ nhẹ dần. Hiện nay thành phố đã phủ tiêm chủng mũi 2 lên tới gần 7 triệu liều vaccine. Do đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên người dân không nên quá lo lắng, mỗi người tự ý thức 5K, cùng chế độ ăn uống, vận động, nghỉ ngơi phù hợp thì sẽ đủ sức ứng phó với các biến thể của Covid-19. |