Nhiều người dân khi gặp vụ việc tranh chấp, khiếu kiện đã rất lúng túng, e ngại, không biết nên ứng phó thế nào cho đúng quy định pháp luật. Thế nên, qua hoạt động luật sư tư vấn pháp lý miễn phí, người dân rất vui mừng và tin cậy mang tâm tư, thắc mắc về luật pháp đến Phòng Tiếp bạn đọc của Báo SGGP để được luật sư tư vấn hướng dẫn.
Ông Vĩnh Khánh (quận 8) hỏi cách xử lý tài sản do cha mẹ để lại. Ông Nguyễn Thành Đông (huyện Bình Chánh) muốn biết về quyền sử dụng đất và các vấn đề liên quan. Bà Trần Ngọc Diện (quận 9) cần biết thủ tục, điều kiện cấp giấy chứng nhận cho đất lấn chiếm kênh rạch...
Nhiều bạn đọc tìm gặp luật sư không chỉ để tìm hiểu pháp luật, mà cần được tư vấn nóng để xử lý vụ việc đang gặp phải.
Đã có tình trạng tranh chấp, tình cảm gia đình sứt mẻ vì chia tài sản thừa kế. Luật sư đã hướng dẫn cặn kẽ cho ông Đề đi kê khai di sản thừa kế khi bán nhà.
Tư vấn cho các cư dân khu dân cư Tân Hải Minh (phường Linh Tây, quận Thủ Đức) bức xúc về việc mua đất từ năm 2003, đã thanh toán đầy đủ cho chủ đầu tư, xây dựng theo bản vẽ của chủ đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa có giấy tờ nhà đất, các luật sư có chung nhận định: Người dân ký hợp đồng và trả tiền mua nhà đất, đã ở ổn định nhiều năm nhưng vẫn chưa có giấy tờ nhà đất là bức xúc chính đáng.
Điều cần làm rõ là xác định được lỗi thuộc về chủ đầu tư, cơ quan cấp giấy, hay người dân. Vướng mắc trong việc cấp giấy tờ nhà đất là vấn đề nóng của TPHCM mà thời gian gần đây lãnh đạo thành phố đang đốc thúc các sở, ngành và chủ đầu tư giải quyết.
Việc cư dân khu dân cư Tân Hải Minh phải làm ngay là gửi đơn khiếu nại đến UBND TPHCM để được chỉ đạo, giải quyết theo đúng quy định. Sau khiếu nại hành chính không có kết quả, người dân có thể khởi kiện, đưa vụ việc ra tòa.
Luật sư Phạm Quang Hiệp đã tận tình tư vấn về trường hợp của bà Trần Thị Hương Trâm (quận 1) xin tư vấn pháp lý giải quyết việc bị chủ nhà nơi bà thuê nhà mở quán ăn cản trở hoạt động kinh doanh.
Theo bà Trâm trình bày, năm 2017 bà ký hợp đồng thuê căn nhà của bà T.T. để mở quán ăn và để ở trong thời hạn 8 năm. Nhưng tháng 5-2018, bà T.T. báo đã chuyển nhượng căn nhà cho chủ khác và yêu cầu chuyển hợp đồng thuê sang chủ mới. Hai bên tiến hành thanh lý hợp đồng và thống nhất mời cơ quan thẩm định xác định kinh phí sửa chữa, đầu tư để làm cơ sở bồi hoàn.
Thế nhưng, các bên không thực hiện cam kết và hậu quả là dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Luật sư phân tích, hợp đồng thuê nhà quy định tiền thuê không bằng tiền đồng mà trả bằng USD, điều này bị cấm. Do vậy, theo quy định pháp luật, thì hợp đồng này bị vô hiệu.
Xét thực tế, mặc dù hợp đồng vô hiệu nhưng bà Trâm đã có đầu tư sửa chữa để làm quán ăn. Để giải quyết dứt điểm, căn cơ, những người có liên quan nên chọn phương án đưa vụ việc ra tòa giải quyết theo tranh chấp hợp đồng thuê nhà hoặc hợp đồng mua bán nhà.
Như vậy, quyền lợi của 3 đối tượng là người thuê nhà, chủ nhà cũ và chủ nhà mới được bảo đảm. Việc người dân thực thi đúng quyền khiếu kiện chính là biện pháp giải quyết vướng mắc một cách văn minh, êm thấm nhất trong xã hội hiện đại.