Người dân cần phân biệt chất thải nguy hại hộ gia đình với chất thải rắn sinh hoạt

Sở TN-MT TPHCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện Chương trình "Tuần thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình” năm 2024.

Đơn vị thu gom rác trên đường Cách Mạng Tháng 8, quận 3. Ảnh: THANH HIỀN
Đơn vị thu gom rác trên đường Cách Mạng Tháng 8, quận 3. Ảnh: THANH HIỀN

Theo báo cáo, năm 2024, TPHCM có tổng cộng 603 điểm thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình, với tổng khối lượng thu gom là 16.858 kg (tăng 22 điểm và khối lượng thu gom tăng hơn 2.909 kg so với năm 2023). Chất thải nguy hại hộ gia đình sau khi thu gom sẽ được chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM hoặc các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại để xử lý.

Hiện còn một số người vẫn nhầm lẫn giữa chất thải nguy hại với chất thải thông thường. Chính vì thế, khối lượng chất thải nguy hại hộ gia đình phát sinh dù ít nhưng bị bỏ lẫn với chất thải rắn sinh hoạt.

Theo hướng dẫn của Bộ NN-MT, chất thải nguy hại gồm: bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, axit, kiềm, dung môi, dầu mỡ công nghiệp, chất tẩy rửa… có thành phần nguy hại; sơn, mực, keo, hồ… có tính nguy hại; găng tay, giẻ lau dính hóa chất, khẩu trang, kim tiêm, bông băng từ người bị nhiễm khuẩn bệnh. Khi phân loại chất thải nguy hại này phải chứa trong bao bì đảm bảo an toàn, tránh phát tán ra môi trường. Thu xếp gọn, phân loại riêng với vật sắc nhọn và có đánh dấu ký hiệu riêng.

Tin cùng chuyên mục